Tại thôn 6, xã Đức Dũng mỗi giếng phải có trên chục hộ dùng chung. Tại đây, người dân đặt từ 6-7 chiếc máy bơm cùng với một hệ thống dây điện hết sức tạm bợ, kém chất lượng, đứt và chắp nối nhiều khúc, được kéo từ nhà luồn qua các nhành cây hay được chống đỡ bằng các cọc rất yếu. Khi đến khu vực khuôn viên giếng nối đến các máy bơm, dây điện được thả rông trên mặt đất.
“Dây điện tại các giếng cũng thường xuyên bị chuột cắn đứt. Nếu có người sơ ý đi vào khu vực giếng thì nguy cơ bị điện giật là rất cao, đặc biệt là trẻ em”, một người dân địa phương cho hay.
Còn ở thôn Đại Tiến, xã Đức Dũng tất cả dây điện được chôn ngầm dưới đất, đi qua các thửa ruộng, đi dưới đáy của mương thủy lợi nên nguy cơ tai nạn về điện cũng rất cao.
Trao đổi về nguy cơ mất an toàn, ông Phạm Trọng Thiện, Chủ tịch UBND xã Đức Dũng cho biết: Thời gian tới xã sẽ cho khảo sát lại số hộ dân kéo điện ra các giếng để chấn chỉnh.
Tại xã Đức Dũng, ngoài những tiềm ẩn về tại nạn do điện tại các giếng làng, hệ thống đường điện đi vào các trang trại cũng được kéo hết sức sơ sài, dây điện chùng, cột điện xiêu vẹo dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Nhiều đoạn đường liên thôn, dây điện cũng được căng ngang với tầm rất thấp.
“Hiện các hộ dân, chủ trang trại có hệ thống đường điện chưa đảm bảo an toàn trên địa bàn xã Đức Dũng đều đã nhận được thông báo từ Điện lực Đức Thọ. Những đường dây tạm bợ đó đều là phía sau công tơ điện (thuộc tài sản cá nhân) nên ngành điện chỉ nhắc nhở, thông báo. Còn trách nhiệm chính chủ yếu là chính quyền địa phương”, ông Hà Trọng Thể, Giám đốc Chi nhánh Điện lực Đức Thọ cho hay.
THIÊN ĐỨC