Những làn điệu then cổ, cầu phúc, cầu mùa, chúc mừng năm mới… cứ thế theo nghệ nhân Mã Trung Trực lớn lên từng ngày.
Đến năm 12 tuổi, nghệ nhân Mã Trung Trực bắt chước làm đàn Tính của các cụ, anh làm đàn bằng hộp đựng xà phòng, dây dù… Đàn cũng phát ra âm thanh nhưng không hay và bền mà buộc phải giữ cẩn thận tránh dây bị ướt.
Rồi khi được tham gia vào phong trào văn nghệ quần chúng của xã, huyện, có cơ hội đi biểu diễn nhiều nơi, niềm yêu thích ấy lại càng được khơi dậy mạnh mẽ. Anh tự mày mò, học theo, nghiên cứu để biểu diễn hát Then.
Đến nay, nghệ nhân Mã Trung Trực đã thực hành thành thạo các làn điệu hát Then, đàn Tính cùng các làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Nùng. Từ năm 2006, anh đã bắt đầu tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn… và đã đạt được nhiều thành tích như: Giải A Liên hoan Tiếng hát dân ca tỉnh Bắc Kạn năm 2006; Hai giải A tại Hội diễn Tiếng hát ngành Xây dựng tỉnh Bắc Kạn lần thứ Nhất năm 2008; Giải A tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Kạn năm 2009; Giải A Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ IV Lạng Sơn năm 2012…
Bằng sự đam mê với những điệu hát Then, tháng 7/2016 nghệ nhân Mã Trung Trực đã thành lập CLB hát Then, đàn Tính Trung Trực, với 13 thành viên. Nghệ nhân Mã Trung Trực cho biết, hiện CLB có 6 nghệ nhân có thể lên lớp dạy kỹ thuật hát Then, đàn Tính nên ở đâu có nhu cầu học, thành viên CLB đều có mặt. Đây vừa là niềm vui, cũng là tạo điều kiện việc làm, thu nhập cho các thành viên có thể gắn bó với nghề. Đến nay, các nghệ nhân đã truyền dạy được cho hơn 150 học trò.
Có lẽ một trong những học trò đặc biệt nhất của anh chính là cô con gái 9 tuổi Mã Ngọc Ánh. Với vẻ ngoài xinh xắn, cùng đôi mắt to tròn của mình, Ngọc Ánh tự nhiên, bạo dạn trong cách nói chuyện của mình, có lẽ cũng vì em có nhiều dịp đi biểu diễn nhiều nơi cùng bố mẹ và ở trường. Ngọc Ánh cho biết “em rất thích hát Then, hằng ngày nghe bố và các anh chị hát em đã tự học theo nên đã biết hát, đàn một số bài. Ở trường không có bạn nào biết hát nên nhiều lần em đã rủ các bạn về nhà học hát cùng em”.
Ngoài dạy học, nghệ nhân Mã Trung Trực còn chế tác đàn Tính để phục vụ nhu cầu những người say mê hát Then, đàn Tính trong nước và cả người nước ngoài. Một năm anh chế tác được khoảng 100 cây đàn Tính, tùy theo nguyên liệu làm đàn mà có giá trị kinh tế khác nhau, bình quân từ 1,2-1,8 triệu đồng/chiếc.
Đến nay, CLB hát Then, đàn Tính Trung Trực đã có tiếng trong vùng, thu hút được nhiều người tham gia, đặc biệt là các em học sinh. Nghệ nhân Trực chia sẻ, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các làn điệu Then của các tỉnh bạn, trau dồi thêm để truyền dạy cho học trò, những người yêu những làn điệu hát Then, cây đàn Tính.
Với những đóng góp tích cực của mình, nghệ nhân Mã Trung Trực đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
HỒNG MINH