
Chính sách đãi ngộ của địa phương đưa ra thường là tiền bạc, nhà ở… Ví dụ như HĐND TP. Đà Nẵng đưa ra chính sách, tiến sĩ ở top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới “đầu quân” cho Đà Nẵng được hỗ trợ 1 lần số tiền bằng 280 lần mức lương cơ sở. Hay mỗi giáo sư, tiến sĩ về làm việc ở Hà Tĩnh cũng được hỗ trợ lên tới 800 triệu đồng (bao gồm tiền và nhà ở).
Xét ở góc độ tư duy lao động. Ai đi làm cũng mong muốn có được mức thu nhập tốt, thì đây là một cách làm hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương này có làm “vừa lòng” nhân tài mà họ chiêu mộ.
Mới đây, trong cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ với hơn 200 học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), nhiều người đã bộc bạch, lương bổng đối với những người được đào tạo thuộc Đề án không quan trọng bằng giao công việc gì, bản thân mình làm được gì…
Như vậy, có thể thấy, cái hợp lý mà các cơ quan nhà nước nghĩ là vậy lại chẳng phù hợp với tình hình thực tế.
Trong khi đó, tại Hà Giang, một nhóm các chuyên gia học ở Mỹ, Úc vẫn sẵn lòng làm việc cho tỉnh với mức lương 3 triệu đồng một tháng. Tại sao vậy?
Không hẳn là những nhân tài này không cần tiền. Nhưng cái mà họ cần hơn chính là một không gian, môi trường thể hiện các khả năng của mình. Hơn ai hết, những người tài là những người có ý thức cao về giá trị của chính mình. “hỗ trợ” cho họ cũng là rất tốt, nhưng họ sẽ “phiền lòng” khi nhận những hỗ trợ đó mà không làm được gì, hoặc không thể làm những điều họ mong muốn.
Người tài hay người thường cũng đều mong muốn nhận những lợi ích cho riêng mình, gồm thu nhập và thăng tiến trong công việc. Nhưng người tài hẳn là không muốn nhận nó bằng bất cứ cách nào. Với khả năng của mình, họ muốn nhận điều đó khi đã làm được những việc có ích cho xã hội. Thậm chí, cái họ làm cho xã hội gấp nhiều lần phần mà họ nhận được. Khi ấy, họ nhận những “phần thưởng” cho riêng mình một cách xứng đáng, minh bạch và sòng phẳng chứ không phải là sự ban ơn.
KẺ SĨ