Sau khi hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, năm 1978, ông Mai Hoa Sen trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở bản Ka Hẹp, xã Tà Rụt. Ông luôn trăn trở bởi các làn điệu dân ca dân vũ của người Pa Kô đang có nguy cơ mai một.
Ông Sen cho biết: Khi về quê, thấy ít người sử dụng các làn điệu dân ca truyền thống trong các lễ hội, mình lo lắm. Đặc biệt là lớp trẻ bị văn hóa hiện đại chi phối nên hình như đã quên hẳn những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Trăn trở trước thực tế đó nên ông đã quyết định dành thời gian và công sức để sưu tầm và phục dựng lại các loại nhạc cụ và làn điệu dân ca của bản làng. Những lúc rảnh rỗi, ông tự mình mày mò tìm cách làm đàn, cách ghép khèn sao cho đúng với lệ xưa.
Theo ông thì việc tìm được cây gỗ phù hợp để chế tác không hề đơn giản bởi âm thanh của nhạc cụ dân tộc có những nguyên lý riêng và cần có sự đầu tư công sức cũng như độ cảm xạ âm thanh tinh tế. Với sự kiên trì chịu khó sưu tầm và chế tác, ông đã biến những cây nứa, những ống sừng, tưởng vô dụng trở thành những nhạc cụ có ý nghĩa.
Hiện nay, nhà ông Mai Hoa Sen được xem là bảo tàng nhạc cụ của người Pa Kô ở xã Tà Rụt. Đa phần các nhạc cụ đều được chế tác từ tre nứa và thân cây rừng. Mỗi loại nhạc cụ một màu sắc, một âm điệu thể hiện mọi trạng thái cảm xúc của con người trước thiên nhiên và cuộc sống.
Một trong những điều kỳ diệu mà những người Pa Kô của dãy Trường Sơn mang lại cho kho tàng văn hóa và âm nhạc nước nhà chính là bộ cồng chiêng 6 chiếc. Để có được bộ chiêng quý ấy, nghệ nhân Mai Hoa Sen đã phải mất rất nhiều năm dành dụm tiền bạc để sang tận Lào mua về.
Để góp phần giáo dục lớp trẻ về những nét văn hóa của đồng bào mình ông Mai Hoa Sen đã đề nghị với chính quyền xã cho thành lập đội cồng chiêng gồm 16 thanh niên trong bản và được chính quyền và bà con trong bản nhiệt tình ủng hộ. Vào các buổi thứ 7, Chủ Nhật hằng tuần, ở nhà sinh hoạt cộng đồng của bản, các cháu được ông Sen hướng dẫn chi tiết các làn điệu dân ca, cách sử dụng các loại nhạc cụ...
Điều ghi nhận là không chỉ truyền dạy cho học sinh những bản cồng chiêng truyền thống, nghệ nhân Mai Hoa Sen còn giúp các cháu hiểu được những cái hay, cái đẹp và giá trị tinh thần của loại nhạc cụ độc đáo này. Vì thế, đội cồng chiêng của già Sen đã nhiều lần được mời tham dự các Festival cồng chiêng trong cả nước và đạt nhiều giải cao, góp thêm một nét rất riêng về không gian văn hóa cồng chiêng trong kho tàng di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ.
Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, ông Hồ Văn Nhiếp, cho biết: Ông Mai Hoa Sen vừa là nghệ nhân, vừa là Người có uy tín được nhân dân và chính quyền ghi nhận và rất tôn trọng. Những cống hiến của ông đã góp phần xây dựng bản sắc văn hóa của người Pa Kô ở xã Tà Rụt thêm phong phú và đa dạng. Với sự nhiệt tình sưu tầm và dạy cho các cháu về các làn điệu dân ca nên trai gái Pa Kô ở Tà Rụt bây giờ không chỉ đánh cồng chiêng giỏi, hát hay, múa khéo… mà còn hiểu rõ được những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc mình, tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống.
“Đối với chính quyền luôn ủng hộ và ghi nhận những đóng góp của ông và sẽ hỗ trợ trong điều kiện cho phép để ông Mai Hoa Sen có điều kiện tiếp tục cống hiến để văn hóa của người Pa Kô bên dãy Trường Sơn luôn có sức sống và thu hút được nhiều du khách đến thăm”, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ Văn Nhiếp khẳng định.
MINH THỨ