Khơi lại phong tràoBiết hát dân ca Nùng (hát Sli, Lượn) từ khi 14 tuổi, từng đi hát khắp làng trên, bản dưới, thậm chí lên Lạng Sơn giao lưu, ông Mạc Văn Đậu luôn tràn đầy đam mê lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc qua những bài dân ca dân tộc. Ngoài sưu tầm sách hát từ cổ nhân, ông tự sáng tác, đặt lời mới cho những bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật, xây dựng đời sống mới và kỳ công phiên dịch từ tiếng dân tộc sang tiếng Việt để nhiều người hiểu. Lo “đặc sản” của cha ông bị thất truyền, ông sao chép nhiều bản thảo, quay phim và gửi Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Ngạn nhờ lưu trữ.
Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi biết tin quãng thời gian từ năm 2009 đến nay, số tiền ông bỏ ra cho các chuyến “lưu diễn” và hát dân ca đủ xây một căn nhà đẹp. Ông khoe: “Vừa tháng trước tôi quay cả con lợn to, làm cỗ mời mấy chục nghệ nhân giỏi trong vùng đến nhà hát giao lưu, rồi thuê người quay phim, in sao ra đĩa gửi mọi người nghe”. Nói về dân ca Nùng, ông Đậu sôi nổi một cách đầy tự hào, kiêu hãnh: Người Nùng rất yêu văn nghệ, hễ gặp nhau là hát. Hát Sli là lối hát đối đáp theo từng câu thơ vần vè, hát Lượn cũng là đối đáp nhưng thành bài dài.
Có nhiều cách hát trong những hoàn cảnh khác nhau như: Hát cổ lẩu (phù dâu, phù rể), hát mừng sinh nhật, mừng nhà mới, hát ban đêm, ban ngày, hát trong phiên chợ... Trong đó hát ban ngày là lối giao duyên, hát ban đêm là lối đối đáp khi có tốp con gái làng khác đến chơi qua đêm tại làng mình (các nhóm tập trung hát thâu đêm đến sáng), hát tìm bạn trong phiên chợ.
Ông Đậu là số ít người Nùng trong vùng còn biết hát “cổ lẩu” và mừng sinh nhật. “Nghệ nhân” nhẩm hát một vài câu giao duyên mà ông từng hát suốt thời trai trẻ, giọng hát ấy tuy không còn mượt mà nhưng vẫn cất cao đầy hào sảng, âm hưởng vang mãi với người nghe. Ông dừng lại phiên ra tiếng Việt rồi lại cười khà khà: “Làm sao được chung mẹ, chung cha-Sáng sớm thức dậy mới yên tâm”, “Dọc Đình có đất trồng hành, có cô gái đẹp để dành cho ai/Dọc Đình có đất trồng hành, có anh Đậu đẹp để dành cho em”, “Nhìn em anh đắm, anh say, anh mơ, anh mộng được ngày bên em”…
Những năm 2000, dân ca Nùng tại nhiều địa phương đối mặt nguy cơ mai một, ông là người đứng ra vận động khơi dậy lại phong trào. Xác định một mình không thể gánh vác trọng trách lớn ấy, ông xin chính quyền rồi tự đi vận động hạt nhân văn nghệ trong xã thành lập CLB, rồi bỏ tiền mời nghệ nhân giỏi cùng truyền dạy cho đồng bào.
Giữ di sản cho mai sauSuốt thời trai trẻ đến giờ, hễ nghe tin trong vùng có hội hát là ông lại khăn gói tìm tới, tất nhiên một người hào phóng như ông, mỗi vùng đất ông đến đều gặp những bạn hát chân tình và có chung đam mê. Cũng nhờ tài ca hát, chất phong lưu mà ông có nên nhiều người hâm mộ. Chàng thanh niên đa tài ấy từng làm xiêu lòng biết bao thôn nữ xinh đẹp. Các làn điệu dân ca ở đây đa số theo các bước: Làm quen, chào hỏi, xin phép, kết bạn. Người hát giỏi ngoài biết luật chơi, lề lối còn phải nhanh trí, đối đáp linh hoạt, ứng tác tế nhị, tài tình khiến đối phương tâm phục khẩu phục.
“Trai gái quê tôi quen nhau trong mùa hội, mến nhau qua câu hát và đến với nhau bằng sự rung động của con tim. Mỗi điệu Sli, câu hát Lượn vang lên lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc khó tả, nó gợi nhớ về một thời trai trẻ háo hức trước những mùa hội hát dập dìu, những đêm trăng hẹn hò và cả những mối tình tha thiết. Chẳng giấu gì, bạn gái tôi ngày trước nhiều không nhớ xuể nhưng lấy vợ thì chỉ được một người thôi”, ông Đậu cười bảo.
Ngày thường “nghệ nhân” cùng gia đình chăm sóc vườn cây nhưng hễ vơi công việc là ông tập hợp mọi người đi hát giao lưu, tổ chức truyền dạy cho lớp trẻ. Ông thuộc nằm lòng từng kiểu cách, lề lối và phong tục và cả trăm bài dân ca. Khi hát, ông luôn bắt nhịp một cách tự nhiên, đều, ứng tác nhanh trong từng hoàn cảnh, giọng điệu lúc trầm ấm, khi ngân vang giòn giã.
Được biết, xã Biên Sơn nơi ông Đậu ở có 19 thôn, chủ yếu là người Nùng. CLB hát dân ca dân tộc Nùng tại đây hiện nay có 30 thành viên. Nhằm khuyến khích phong trào ca hát, bảo tồn bản sắc dân tộc, hằng năm UBND xã hỗ trợ 3 triệu đồng cho CLB hát dân ca và đều đặn tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc tạo sân chơi cho đồng bào. Nhiều trẻ em ở đây biết hát dân ca Nùng, phong trào ca hát của đồng bào thực sự khởi sắc.
Trong văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân là danh xưng được xã hội mặc nhiên công nhận đối với những cá nhân tâm huyết, tài năng gìn giữ di sản. Bản thân ông Đậu được cộng đồng tôn vinh vì quá trình dài miệt mài bảo tồn, phát huy di sản và luôn ý thức được trách nhiệm “truyền lửa” cho thế hệ sau.
Nguyễn Hưởng