Khi những ruộng lúa đã được thu hoạch xong, cũng là lúc đồng bào Dao tuyển ở bản Mo, bắt đầu bước vào vụ se bông, dệt vải. Người Dao có truyền thống mùa xuân trồng cây bông, mùa hạ thì thu quả bông chín và cuối thu, đầu đông thì se bông, dệt vải, nhuộm chàm, may áo mới.
Hôm nay, mọi người trong bản Mo tập trung để giúp gia đình chị Hoàng Thị Thiết bật bông, kéo sợi. Những quả bông được thu từ cuối tháng 6, được cất giữ cẩn thận đợi đến lúc nông nhàn, được bàn thay khéo léo của chị em phụ nữ Dao tuyển biến thành những cuộn bông trắng đẹp.
“Phụ nữ Dao tuyển thì ai biết trồng bông dệt vải, từ đời trước truyền cho đời sau, ai chưa biết thì cố gắng để học được nghề. Mỗi khi nhà nào tổ chức dệt vải, thì chị em trong bản lại cùng đến giúp vui lắm. Bây giờ ra chợ phiên cũng có thể mua vải, mua quần áo, nhưng hầu như chị em phụ nữ ở đây đều tự làm, vừa có được bộ quần áo ưng ý, vừa giữ được nghề truyền thống ông cha để lại”, chị Hoàng Thị Thiết tâm sự.
Chứng kiến những công đoạn để làm nên một tấm vải của người Dao tuyển, mới thấy được sự kỳ công của người phụ nữ nơi đây. Khi quả bông thu về, phải tách hạt, sau đó dùng các dụng cụ truyền thống qua nhiều công đoạn mới có thể dệt thành vải. Chưa kể đến việc còn phải hồ vải, nhuộm chàm mới có thể may thành quần áo.
Để tạo thành chàm nhuộm màu cho vải, cũng là một công đoạn hết sức công phu, nếu không khéo tay, không có kinh nghiệm, sẽ khó tạo nước chàm ngâm vải. Vải sợi bông sau khi ngâm chàm chừng 1 đến 2 giờ đồng hồ, đem hong ngoài nắng nhẹ rồi mới mang về may váy áo. Kỳ công là vậy, nhưng hầu như phụ nữ nào ở bản Mo cũng biết nghề và đau đáu tới việc phải gìn giữ nghề truyền thống.
“Để có được bộ quần áo truyền thống cũng vất vả, mất nhiều công lắm, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ bỏ nghề, vì nó là truyền thống của dân tộc mình. Phong tục mình mặc như thế nên mình cũng phải cố làm. Các con đi học cũng luôn dặn dò phải mặc trang phục dân tộc để các cháu còn giữ gìn sau này”, chị Trưởng Thị Thim, ở Bản Mo chia sẻ.
Mỗi tấm vải chàm được dệt ra hiện nay có giá 1,6 triệu đồng, so với công sức và thời gian phải bỏ ra, thì giá trị có thể chưa thật cao. Tuy vậy, phụ nữ người Dao tuyển ở bản Mo chỉ làm bông, dệt vải lúc nông nhàn. Vì thế, nghề trồng bông, dệt vải ít nhiều cũng đang góp phần cải thiện đời sống cho bà con nơi đây.
Hiện nay, ở bản Mo hầu hết đồng bào Dao tuyển vẫn duy trì việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Do vậy, ngoài dệt vải để may quần áo cho các thành viên trong gia đình, bà con cũng mang ra chợ để bán có thêm thu nhập.
"Hiện nay, bà con chúng tôi rất mong chính quyền quan tâm, thành lập được hợp tác xã, làng nghề để bà con có thể tiêu thụ sản phẩm truyền thống được tốt hơn, và có cơ hội để du khách biết đến nhiều hơn và bà con có thêm thu nhập, ý thức và tâm huyết hơn với bảo tồn bảo sắc văn hóa của đồng bào hơn”, chị Hoàng Thị Khỏa, ở bản Mo mong muốn.