Thôn Phú Túc, gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơ-tu. Trước đây, hầu hết các hộ đều nghèo, do sống du canh, du cư, tập tục sinh hoạt lạc hậu... Với vai trò, trách nhiệm của mình, ông Trí đã vận động bà con không sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy; xoá bỏ tập tục lạc hậu trong ma chay cưới xin; vận động bà con trồng lúa nước, bắp lai, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng; trẻ em đến tuổi đi học; không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; cùng nhau đoàn kết làm ăn, xây dựng bản làng văn hoá, văn minh.
Để bà con tin lời nói và cái bụng của mình, ông gương mẫu, tiên phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng... mang lại nhiều hiệu quả, hằng năm thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Nghe và làm theo ông, giờ đây, rất nhiều hộ dân trong thôn đã có thu nhập cao như hộ ông Nguyễn Văn Cần, Đinh Văn Nhôm, Lê Văn Nghĩa, Lê Văn Hoàng... năm nào cũng có khoảng 50 triệu đồng tiền bán gỗ rừng trồng. Từ đó, nạn đốt rừng làm nương rẫy ở Phú Túc không còn nữa.
Ông Trí cho hay: Toàn thôn nuôi 200 con bò, trồng trên 125ha rừng: Nhiều hộ tiêu biểu như hộ ông Đinh Văn Nhôm nuôi 10 con bò, Đinh Thị Năm, Nguyễn Văn Lớ…; trồng rừng thì có hộ ông Lê Văn Nghĩa trồng 10ha, Lê Văn Hoàng trồng 10ha…
Những năm qua, bà con Cơ-tu muốn trồng rừng phải đi mua giống cây ở rất xa, vận chuyển tốn nhiều công sức. Thấy vậy ông Trí vận động bà con trong thôn lập vườn ươm cây keo lá tràm. Đến nay đã có hai vườn ươm của anh Lê Văn Hoàng và cô Lê Thị Thi. Mỗi năm, mỗi hộ sản xuất khoảng 10.000 cây để bán và phục vụ nhu cầu trồng rừng trong và ngoài thôn, cho thu nhập khá cao.
Để bổ sung kiến thức cho mình, ông Trí thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoà Vang hoặc Trung tâm Khuyến Ngư- Nông -Lâm TP. Đà Nẵng tổ chức. Từ đó giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả.
Ông Trí tâm sự: “Bà con dân tộc Cơ-tu, hiểu biết về pháp luật, sản xuất, chăn nuôi... còn hạn chế, mình phải đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, vận động, thuyết phục bà con chấp hành chủ ttrương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trên giao, kêu gọi đoàn kết giữa hai dân tộc Cơ-tu, Kinh để cùng xây dựng quê hương...”.
Không chỉ tận tâm trong phát triển kinh tế, ông Trí cũng rất tâm huyết trong việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Từng là giáo viên, thông thạo tiếng Cơ-tu và các phong tục tập quán, văn hoá, lễ hội của đồng bào Cơ-tu như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu, múa “Tung tung za zá”… Vì vậy, ông thường xuyên dịch nội dung những bài hát lý, dân ca của dân tộc Cơ-tu để giới thiệu văn hóa của đồng bào… được hiệu quả hơn. Ông cũng thường xuyên tuyên truyền vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, toàn thôn có gần 160 hộ với gần 560 khẩu, trong đó gia đình văn hoá hằng năm đạt 90%...
Với những thành tích trên, ông Trí đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Năm 2001 ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Huy chương Vì giai cấp nông dân Việt Nam; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”…
TIÊN SA