Đặt chân tới đầu làng Đào Xá, chúng tôi không chỉ ngửi thấy mùi hương của gỗ làm đàn mà còn nghe thấy âm thanh của tiếng đàn, tiếng nhị phát ra từ các hộ gia đình chế tác đàn. Để tìm hiểu rõ hơn về công việc này, chúng tôi được người dân trong làng chỉ tới nhà ông Đào Soạn, một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất trong làng. Được biết, ông Đào Soạn là người duy nhất ở Việt Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cấp quốc gia trong lĩnh vực làng nghề truyền thống và danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của TP. Hà Nội. Với 40 năm gắn liền với những nhạc cụ, hơn ai hết ông là người hiểu rõ nhất về những thăng trầm của làng nghề.
Theo lời ông Soạn, nghề làm nhạc cụ truyền thống của làng tính đến nay dễ cũng đã hơn 200 năm. Gia đình ông làm đàn đã được 4 thế hệ. Vào thời kỳ phát triển nhất làng có hơn 50 gia đình làm nghề. Tiếng lành đồn xa, trong lịch sử đã có tốp thợ của làng được tuyển vào làm đàn ở Cung đình Huế. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, làng nghề không phát triển được vì đó là thời kỳ kinh tế khó khăn. Sau chiến tranh, người làng nghề phải đi xa tới các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Sài Gòn… để làm nghề. Phải tới đầu những năm 90, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của Nhà nước, nghề làm đàn ở Đào Xá mới dần có những bước chuyển mình.
Với những người thợ chế tác nhạc cụ ở Đào Xá, từ xưa đến nay để có thể theo nghề phải thạo hay ít nhất phải biết về nghề mộc, chưa kể phải có đôi tai và cặp mắt tinh tế. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện. Tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật truyền thống. Cái khó nhất khi làm một chiếc đàn là hoàn thiện âm thanh. Người thợ vừa phải biết căn chỉnh, vừa phải biết thẩm âm để làm sao chiếc đàn đạt được chuẩn mực nhất định.
Sản phẩm của làng rất đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu... đều có cả. Những ai đã theo nghề này thì đều có thể làm được tất cả các loại đàn dân tộc một cách thuần thục. Điều đặc biệt hơn cả là không một người làm nghề nào có kiến thức về âm nhạc nhưng nhạc cụ họ làm ra có âm thanh rất chính xác, ít khi bị khách hàng trả về.
Hiện nay, cả làng Đào Xá còn khoảng 6 hộ mở xưởng làm đàn. Nghề làm đàn đem lại cho các hộ gia đình mức thu nhập khá ổn định. Các sản phẩm không chỉ bán buôn cho các cửa hàng nhạc cụ ở nội thành, các hộ làm đàn còn nhận được đơn hàng đặt riêng của khách hàng để đem biếu tặng hay xuất khẩu ra nước ngoài. Anh Đào Ngọc Tuấn Anh, một trong những người sống bằng nghề làm đàn cho biết mỗi tháng gia đình anh xuất đi từ 50 đến 60 cây đàn đủ các loại, thu lãi khoảng 18 triệu đồng. Số tiền này tuy không quá lớn nhưng so với điều kiện ở nông thôn, gia đình anh vẫn được xếp vào hạng có thu nhập khá giả.
Đối với những người dân trong làng, nghề làm đàn không chỉ là kế sinh nhai mà còn là một nét văn hóa truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, trước sự phát triển của thị trường, với cơ chế mở cửa việc làm, việc truyền nghề đến các thế hệ trẻ không phải dễ. Vậy nên để khôi phục sự thịnh vượng của làng nghề làm đàn Đào Xá như xưa vẫn là một ước mơ mà muốn hiện thực hóa những người thợ sẽ cần rất nhiều nỗ lực.
HỒNG MINH