Nghệ nhân Ưu tú Lâm Tấn Bình đang truyền dạy kỹ thuật đánh trống ginang cho các học viênDuyên nợ với văn hóa cha ông
Sinh ra trong một gia đình dân tộc Chăm, lớn lên giữa những mùa lễ hội Katê, Rija, cậu bé Lâm Tấn Bình khi ấy sớm được hun đúc tình yêu đặc biệt với văn hóa dân tộc mình. Từ những ngày còn cắp sách đến trường tiểu học, mỗi lần nghe tiếng trống ginang và tiếng kèn saranai vang vọng khắp làng, cậu lại lén bỏ tập vở chạy theo, rồi say mê đứng xem từng điệu múa, từng nghi thức linh thiêng của các thầy Ka-ing. Không chỉ đứng xem, Bình còn tự chế “nhạc cụ” từ thùng rơ-mốt xe máy cày, tự mình đánh nhịp theo giai điệu ginang vừa nghe được, rồi cùng bạn bè múa đạp lửa giữa đồng khô nắng cháy.
Niềm say mê ấy lớn dần thành lẽ sống. 14 tuổi, lần đầu tiên Lâm Tấn Bình được chọn tham gia múa trong tác phẩm “Kinh Chiêm Thượng đoàn kết” biểu diễn tại Cần Thơ. Khi ấy, cố nghệ nhân lão làng Đào Bổ đã sớm nhận ra tố chất nghệ sĩ đặc biệt nơi cậu bé, ông đã truyền dạy những kỹ thuật vỗ trống baranâng, đánh trống ginang, cùng từng làn điệu hát ngâm Ariya da diết. Từ những đêm trăng rằm lén nghe giọng ngâm ai oán của cố nghệ nhân Lư Đò, rồi những lần theo cha đến lớp học chữ Chăm… đã hun đúc trong tâm hồn Lâm Tấn Bình niềm tự hào về văn hóa Chăm. Đó là hành trang quý giá để sau này, khi lớn lên, dù đứng ở đâu - trên sân khấu chuyên nghiệp hay giữa sân đình làng - ông vẫn sống trọn vẹn với tình yêu văn hóa dân tộc mình.
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Tấn BìnhNghệ nhân trên sân khấu
Hơn 50 năm gắn bó với văn hóa nghệ thuật Chăm, Lâm Tấn Bình không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn tài năng mà còn là người thầy tận tụy gieo mầm di sản cho thế hệ trẻ. Từ vị trí Đội trưởng Đội Văn nghệ xã Phan Hiệp những năm 1980, ông dần khẳng định vai trò người “cầm trịch” các phong trào văn hóa nghệ thuật trong vùng. Từng bước đi lên từ Trưởng đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm Bắc Bình, đến Giám đốc Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận, ông trở thành linh hồn của nhiều chương trình nghệ thuật dân gian Chăm quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Tên tuổi của Lâm Tấn Bình gắn liền với những tác phẩm múa mang đậm hồn cốt Chăm: “Đài hoa dâng Bác”; “Vui hội Ramưwan”; “Niềm vui Rija Praong”. Những động tác múa mềm mại, uyển chuyển theo đúng điệu thức cổ truyền, chân trái bước trước, chân phải nhún nhịp theo sau đã tạo nên dấu ấn riêng biệt cho nghệ thuật múa Chăm do ông dàn dựng. Đặc biệt, những sáng tạo trong cách phối nhạc, hòa tấu ginang - saranai hay hòa âm các làn điệu dân ca Ariya đã mang về cho ông hàng loạt Huy chương Vàng, Bạc trong các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp khu vực và toàn quốc.
Nhưng ánh hào quang sân khấu không đủ níu giữ bước chân của người nghệ nhân. Khi trở về quê nhà Phan Hiệp, ông lại miệt mài bên từng lớp học truyền dạy trống ginang, kèn saranai, chữ Chăm, Ariya cho lớp lớp học trò. Từ năm 1995 đến nay, hàng trăm học viên - từ các nghệ nhân trẻ, các diễn viên của Nhà hát Biển Xanh đến những em nhỏ người Chăm tại Phan Hiệp, Phan Hòa, Hàm Trí đều đã trưởng thành từ bàn tay truyền nghề của ông. Trong số ấy, nổi bật nhất là cậu học trò Cửu Đặng Long An, con trai cố nghệ nhân Cửu Lạc. Với nền tảng vững vàng từ người cha và sự dẫn dắt tận tình từ thầy Bình, Long An đã sớm khẳng định bản thân, trở thành Trưởng đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm Bắc Bình, tiếp nối con đường giữ gìn di sản cha ông.
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Tấn Bình còn sáng tạo cách ký xướng âm trống ginang và hệ thống hóa kèn Saranai theo nốt nhạc hiện đại, giúp học viên dễ tiếp thu, rút ngắn thời gian học. Ông áp dụng phương pháp của cố nghệ nhân Trượng Tốn để hệ thống hóa 9 giai điệu gốc theo 7 nốt nhạc. Những sáng tạo này giúp bảo tồn và tạo thuận lợi cho lớp trẻ tiếp cận nhạc cụ Chăm.
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Tấn Bình đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân Nhân dân” và được Hội đồng cấp tỉnh xét duyệt đủ điều kiện để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Danh hiệu ấy, nếu được trao tặng, không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng với hơn nửa thế kỷ tận hiến cho văn hóa Chăm của ông, mà còn là niềm tự hào chung của cả cộng đồng Chăm nơi miền cát trắng Bình Thuận.
Nhà nghiên cứu thầm lặng
Không chỉ là nghệ sĩ và người thầy, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Tấn Bình còn là nhà nghiên cứu lặng thầm, cần mẫn ghi chép từng trang sử văn hóa Chăm. Ông đã từng là chủ nhiệm và phối hợp với PGS.TS Thành Phần thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, từ nghiên cứu nghi lễ Chăm Bàlamôn, Bàni, hát ngâm Ariya, hát ngâm Hari Raglai đến kho tàng truyện cổ dân gian Chăm. Cuốn sách “Di tích và lễ hội người Chăm Bình Thuận” do ông chủ biên chính là kho tư liệu quý giá, góp phần lưu giữ và giới thiệu di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của cộng đồng Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Sau hàng chục năm miệt mài cống hiến, điều khiến ông trăn trở nhất không chỉ là nguy cơ mai một di sản khi nhiều nghệ nhân lớn tuổi lần lượt ra đi, trong khi lớp trẻ ngày càng xa rời văn hóa truyền thống. Dẫu vậy, trong ánh mắt và trái tim người nghệ nhân ấy vẫn chất chứa niềm tin. Nhìn những hạt giống di sản - những học trò của ông hôm nay đang tiếp tục nối dài hành trình nghệ thuật, ông tin rằng, chỉ cần mỗi người Chăm biết trân quý gốc rễ, thì văn hóa Chăm sẽ không bao giờ lụi tàn.