Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận trưng bày giới thiệu trên 1.000 hiện vật, ảnh tư liệu về trang sức, trang phục truyền thống nhằm tôn vinh tạo sự lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc về đời sống, tín ngưỡng của đồng bào Chăm.
Trong đó có trên 500 hiện vật trang sức được người xưa chế tác bằng kim loại quý, đá quý như bông tai, vòng đeo cổ, nhẫn. Đồng thời giới thiệu trang phục của các vị chức sắc Chăm; trang phục lễ cưới của đồng bào Chăm Bàlamôn và đồng bào Chăm Hồi giáo Bà ni; trang phục thực hiện nghi lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm Hồi giáo Bà ni trên địa bàn tỉnh. Hiện vật trang sức, trang phục trưng bày do các nhà nghiên cứu, sưu tập Nguyễn Quốc Dũng, Ngô Hưng ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Trượng Văn Sướng ở Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận gửi đến tham gia trưng bày và hiến tặng một số hiện vật cho Trung tâm.
Ông Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có 19.592 hộ với 90.207 khẩu đồng bào Chăm sinh sống trên địa bàn 35 thôn, khu phố thuộc 13 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố, chiếm trên 12% dân số toàn tỉnh. Trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Chăm nói riêng, trang sức, trang phục không chỉ là vật trang trí mà còn là một trong những yếu tố thể hiện đặc trưng bản sắc văn hóa tộc người, phản ánh phong tục, tập quán, đời sống lao động, những giá trị về mặt tâm linh, quan niệm của con người về thiên nhiên và vạn vật. Trang sức, trang phục là yếu tố biểu hiện rõ nét, dễ nhận diện nhất về bản sắc dân tộc. Có thể xem trang sức, trang phục là bức thông điệp của cộng đồng cư dân về quá trình lịch sử giao lưu văn hóa.
Trưng bày trang sức và trang phục truyền thống dân tộc Chăm tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tại số nhà 62 đường Tô Hiệu. Trưng bày diễn ra từ nay đến hết ngày 28/12/2024, phục vụ nhu cầu du khách và người dân địa phương đến tham quan tìm hiểu văn hóa đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận.