Ông Nguyễn Văn Quyềntỉ mỉ từng bước khi làm ra những chiếc đèn kéo quân.Ông Quyền kể: Ông biết làm đèn kéo quân từ khi còn bé do bố và dạy lại. Vào những năm 90 của thế kỷ 20 trở về trước,
đèn kéo quân là món đồ chơi được trẻ em háo hức chờ đợi vào mỗi dịp Tết Trung thu.
Đèn kéo quân, hay còn gọi là đèn cù, khi thắp nến lên thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại. Mặt ngoài của đèn được dán giấy bóng kính hoặc giấy can như bốn màn ảnh hoặc có thể bằng vải mỏng... Ðể chiếc đèn có nhiều hình phong phú, người ta lồng và cắt dán đến bốn, năm tầng...
Thế nhưng, giờ đây hình ảnh đó chỉ còn trong ký ức của ông Quyền, khi những đồ chơi nhựa tràn lan trên thị trường. “Bây giờ, mặc dù bọn trẻ không còn mặn mà với những chiếc đèn đó nữa nhưng tôi vẫn làm, không cầu lợi nhuận, chỉ cầu vui”, ông Quyền trầm ngâm nói.
Với một chiếc đèn kéo quân cỡ nhỏ, nếu tính cả vốn, nguyên vật liệu và công sức làm trong khoảng tám giờ, giá bán chỉ được khoảng từ 100 đến 120 nghìn đồng. Vất vả là thế nhưng khi làm ra, những chiếc đèn kéo quân hầu như chỉ trưng bày là chủ yếu, chứ không phải để bán. Vì thế, không còn ai sống được bằng nghề làm đèo kéo quân nữa cả. Cả làng Đàn Viên chỉ có gia đình ông Quyền và một gia đình nữa hằng năm được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đặt hàng vài chục chiếc.
Tuy nhiên, bằng tâm huyết với nghề, cứ mỗi dịp Trung thu, ông Quyền lại xuất hiện ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hoặc Trung tâm triển lãm Vân Hồ để hướng dẫn cho những bạn trẻ muốn tìm hiểu nguồn gốc và cách làm đèn kéo quân. Ông mong rằng có thể truyền đạt những hiểu biết của mình cho những ai quan tâm và có ý thức giữ gìn văn hóa dân gian. “Thêm một người biết là thêm một cơ hội để lưu giữ một nét văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau”, ông Quyền nói.
HỒNG MINH