Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm nay, trong khi lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%.
Đánh giá về quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, WB nhận định kinh tế tăng tốc trong 6 tháng qua nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,1% trong quý I/2022 và 7,7% trong quý II/2022, khi người tiêu dùng thỏa mãn những nhu cầu dồn nén trước đó.
Tuy nhiên, WB cũng nhấn mạnh vẫn còn những rủi ro đe dọa đến viễn cảnh phục hồi.
Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại, hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, hoặc các biến chủng COVID-19 mới xuất hiện. Bên cạnh đó, là những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.
Theo đó, WB đưa ra 4 khuyến nghị chính sách bao gồm: Quan điểm chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ hơn; chính sách tiền tệ linh hoạt; chủ động tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng và thực hiện cải cách cơ cấu.
Đối với chính sách tài khóa, WB cho rằng Việt Nam nên đặt trọng tâm triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu, nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng.
Đối với quản lý khu vực tài chính, việc quản lý một cách chủ động, tỉnh táo, linh hoạt là hoàn toàn cần thiết. Việt Nam đang đối mặt với vấn đề nợ xấu và chất lượng tài sản ngân hàng xấu đi. Chất lượng tài sản ngân hàng cần phải được giám sát an toàn và minh bạch, công tác dự phòng nợ xấu cần phải được ổn định. Với những ngân hàng cần tái vốn hóa thì cần phải có lộ trình cụ thể. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế xử lý khả năng mất năng lực trả nợ của doanh nghiệp.
Chính phủ có thể cân nhắc áp thêm sắc thuế mới như thuế Cacbon, cải thiện công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu suất chi tiêu với đầu tư công. Hành lang pháp lý cần phải tiếp tục được cải thiện để nâng cao hiệu quả của môi trường đầu tư kinh doanh.