Người Hrê vốn là cư dân làm nương rẫy. Trước khi xuất hiện cây lúa nước thì lúa rẫy là nguồn là sinh kế quan trọng nhất của đồng bào. Hiện nay, đồng bào Hrê ở các bản làng vùng cao vẫn chọn phương thức canh tác nương rẫy. Đồng bào Hrê cho rằng, hạt lúa rẫy có giá trị tinh thần rất lớn. Bởi vậy, nhiều người cao tuổi vẫn truyền lại cho lớp trẻ cách thức trồng lúa lâu đời.
Do “vòng đời” của cây lúa rẫy dài hơn so với cây lúa nước (từ khi trỉa hạt đến lúc thu hoạch khoảng 5 - 6 tháng), nên bắt đầu vào mùa mưa, người Hrê lại lên đồi phát dọn cây cỏ, làm đất để bắt đầu trỉa lúa. Những chiếc gậy được vót nhọn là dụng cụ để chọc lỗ trỉa giống. Lúa rẫy phát triển gần như dựa vào các điều kiện tự nhiên, bà con không sử dụng thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc.
Sau nhiều tháng, khi những hạt lúa trên nương đã to tròn, chắc nịch, vàng ươm cũng là lúc đồng bào bắt đầu vào vụ thu hoạch. Trước khi thu hoạch lúa, đồng bào Hrê sẽ tiến hành cúng thần linh.
Theo quan niệm của đồng bào Hrê, thần Lúa là vị thần đóng vai trò quan trọng, mang đến sự no đủ cho con người. Tôn kính thần Lúa linh thiêng, người Hrê đề ra nhiều nguyên tắc trong canh tác lúa rẫy và tuân thủ rất nghiêm ngặt. Đồng bào cho rằng, thần Lúa có mối quan hệ gắn kết mật thiết với người phụ nữ trong gia đình.
“Nhờ các vị thần linh phù hộ mới có lúa rẫy. Hơn nữa, tuốt bằng tay sẽ tách được hạt thóc ra, không phải tốn tiền hay mất thời gian thuê máy tuốt lúa. Hiện nay, việc thờ cúng thần Lúa đã được người Hrê giản lược, thường chỉ cúng tạ ơn thần linh sau khi thu hoạch. Mặt khác, một số điều kiêng kị và nghi thức phức tạp trong thờ cúng thần Lúa cũng đã được lược bỏ”, già Phạm Văn Minh ở xã Ba Nam chia sẻ.
Dù trải qua nhiều thế hệ, cây lúa rẫy vẫn gắn bó “thủy chung” với tín ngưỡng của người Hrê. Đồng bào vẫn trỉa hạt để giữ gìn truyền thống văn hóa lúa rẫy của dân tộc mình.