Nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len cho các địa phương đã góp phần xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân ở xã ĐBKK, tạo tiền đề vật chất để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các công trình đã phát huy được hiệu quả đầu tư, giúp đồng bào DTTS có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Để tối đa hóa lợi ích các cộng đồng và tăng cường sự phối hợp của các cấp các ngành trong công tác giảm nghèo, đồng thời tăng cường công tác quản lý nguồn lực của Chính phủ Ai Len, Ngày 17/5/2018, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã phối hợp với Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam tổ chức Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm đối với các địa phương qua kết quả của Kiểm toán Nhà nước kiểm toán nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Ai Len.
Với kết quả kiểm toán, kinh nghiệm, phản ánh của địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong triển khai nguồn vốn viện trợ cho các năm tiếp theo và thực hiện tốt CT135 giai đoạn 2017-2020.
Báo Dân tộc và Phát triển xin trích lược một số ý kiến tham luận được các đại biểu trình bày tại Hội thảo.
Bà Nuala O’Brien, Phó Đại sứ, Trưởng Ban Phát triển-Đại sứ quán Ai Len tại Việt NamTôi đã có dịp thăm một số dự án và đã rất ấn tượng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc để có những đổi thay tích cực cho cuộc sống nơi đây. Bên cạnh những thuận lợi này thì vẫn còn nhiều thách thức như: cách biệt địa lý, biến đổi khí hậu, sinh kế, bình đẳng giới và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tôi nhận thấy cộng đồng dân cư này cần phải được tăng cường năng lực hơn nữa để quản lý các chương trình, dự án và đảm bảo họ tham gia tích cực để phát triển chính cộng đồng mình.
Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua các khuyến nghị của các đợt Kiểm toán Nhà nước, giúp cho các cơ quan Chính phủ và các đối tác khác có thể hiểu hơn về những vấn đề có thể thực hiện được hoặc không thể thực hiện, cũng như cách làm tốt để các hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả hơn.
Ông Hoàng Đức Tiến, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà GiangViệc giao cho cấp xã làm chủ đầu tư là phù hợp với thực tế và tăng cường được sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, do trình độ, năng lực cán bộ cơ sở ở một số xã ĐBKK trong xây dựng cơ bản còn hạn chế nên các phòng chuyên môn của huyện phải đứng ra chỉ đạo, làm thay là rất phổ biến.
Cán bộ xã thường xuyên luân chuyển trong nhiệm kỳ nên việc tập huấn là rất khó khăn. Như vậy, kinh nghiệm đưa ra là tập huấn thường xuyên đối với cấp xã nhất là các vấn đề về xây dựng cơ bản; các công trình qui mô nhỏ nên có cơ chế đặc thù rút gọn, tránh thủ tục rườm rà để việc giám sát thường xuyên hơn.
Ông Hà Thanh Sơn, Phó Ban Dân tộc tỉnh Trà VinhNhững năm qua, 27 công trình cơ sở hạ tầng với nguồn vốn gần 29,5 tỷ đồng do Ai Len tài trợ đã được đưa về 18 xã ĐBKK, giúp cho gần 11 nghìn người dân ở đây được hưởng lợi.
Các công trình đều do cấp xã làm chủ đầu tư nên xã đã chủ động lựa chọn danh mục những công trình theo nguyện vọng bức thiết nhất của người dân. Chính vì thế đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân. Công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi nhân dân sẵn sàng hiến đất, công sức để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Qua các đợt kiểm toán Nhà nước đã giúp cho các xã nâng cao năng lực quản lý, hoàn thành các thủ tục theo đúng qui định.
Ông Chu Quốc Tế, Phó Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa, Cao BằngPhục Hòa là huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng với vùng núi đá vôi chiếm 2/3 diện tích toàn huyện. Trong 7 xã của huyện thì có 5 xã ĐBKK. Giao thông đi lại giữa 48 thôn ĐBKK còn nhiều hạn chế. Năm 2015-2016 các xã này mới chỉ được đầu tư gần 7 tỷ đồng xây dựng mới 4km đường. Tuy nhiên nguồn vốn thường bố trí muộn làm giảm hiệu quả mục tiêu của nguồn vốn.
Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, huyện đã tăng cường cán bộ vận động nhân dân hiến đất cùng giám sát chất lượng các công trình. Tuy nhiên, vốn bố trí ít, điều kiện kinh tế của huyện chưa có vốn đối ứng, công trình xa trung tâm nên chi phí lớn, các tuyến đường chỉ làm được trên dưới 1km... Ngoài ra, nguồn vốn giao vào quý III, bắt buộc phải giải ngân trong năm dẫn đến việc tổ chức thực hiện khó khăn, dễ sai sót.
Ông Tạ Hồng Hải, Phó Ban Dân tộc tỉnh Thanh HóaChúng tôi đánh giá cao và nhất trí với những khuyến nghị của Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại Hội thảo. Trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện gói hỗ trợ như: Trình độ năng lực của cán bộ xã còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc chọn chủ đầu tư và quyết toán; địa hình phức tạp, nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng; hạ tầng cơ sở được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; thủ tục còn rườm rà gây khó khăn trong công tác làm thầu và quyết toán.
Chúng tôi cũng đề xuất nên chú trọng các gói hỗ trợ nâng cao năng lực cho các địa phương nhằm thúc đẩy mục tiêu xã làm chủ đầu tư; đề nghị được cấp vốn sớm, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quyết toán; hỗ trợ kinh phí giám sát cho cơ sở; được sử dụng nguồn vốn còn dư lại để duy tu bảo dưỡng hoặc sử dụng cho các công trình khác cùng hạng mục đầu tư…
NGỌC TUẤN