Hàng vạn nhà dân bị ngập trong nước lũ
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), ảnh hưởng của bão số 12 đã kiến nhiều tỉnh Nam Trung Bộ có mưa lớn. Tỉnh Phú Yên nước lũ lên nhanh khiến hơn 11.000 nhà dân ở các huyện Tuy An, Đông Hòa bị ngập nước. Đến trưa 12/11, nước lũ đã dần rút nhưng rất chậm, nhiều xã trên địa bàn huyện vẫn đang bị ngập sâu từ 1-2 m, nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập.
Tại xã An Định, huyện Tuy An, nước lũ dâng cao bất ngờ trong ngày 11/11, đã gây ngập sâu, chia cắt, cô lập hoàn toàn địa phương này với trung tâm huyện và các xã lân cận. Để đến được trụ sở xã An Định và các thôn, phương tiện sử dụng duy nhất lúc này là xuồng máy hoặc chèo thuyền. Theo chính quyền xã An Định: Nước lũ đổ về khiến các hộ dân sống ở khu vực trũng thấp (thôn Định Trung 2 và thôn Định Trung 3 của xã An Định) bị nước lũ bao vây, có hộ dân nước ngập sâu đến nửa nhà.
Trong khi đó, báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định cho thấy: Mưa lớn trên nhiều địa phương, trong đó đã gây ra thiệt hại về người và tài sản của người dân. Cụ thể, đã làm 1 chết và 2 người bị thương; cùng với đó, đã làm gần 8.700 nhà bị ngập nước tại TP. Quy Nhơn và các huyện Vân Canh, Phù Cát, Hoài Ân. Đồng thời nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, kè hư hỏng nặng do mưa lũ gây ra.
Huyện miền núi Vân Canh là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước trên sông Hà Thanh dâng nhanh, gây ngập nhà nhiều hộ dân tại thị trấn Vân Canh, xã Canh Thuận, Hiển Hiển, Canh Hiệp. Tuyến QL 19C thuộc địa bàn thị trấn Vân Canh bị nước lũ tràn qua và xoáy sâu vào các cống nước tại Km 29+500 rộng 3m, âm sâu vào lòng đường 3m, buộc ngành chức năng phải dựng hàng rào ngang qua đoạn đường này, không cho ô tô qua lại, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Còn tại cầu Suối Mây cũng đã bị nước lũ làm đứt gãy một nhịp, chia cắt hơn 100 hộ dân với 400 nhân khẩu làng Suối Mây với thị trấn Vân Canh. Mưa lũ cũng làm tuyến từ xã Canh Thuận đi xã vùng cao Canh Liên có 10 điểm sạt lở, đất đá nằm ngổn ngang, chất thành đống trên mặt đường…
Khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn cho người dân
Sau khi bão 12 đi qua, các tỉnh Nam Trung Bộ gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão 12 gây ra và lên các phương án đối phó với lũ quét. Theo ghi nhận tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa trong 2 ngày vừa qua, chính quyền địa phương phối hợp các lực lượng và người dân triển khai phát dọn cây cối bị đỗ ngã trên các tuyến đường, lợp lại nhà bị tốc mái, di dời người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đồng thời lên các phương án đối phó với mưa lớn, gây sạt lở và lũ quét, ngập lụt sau bão 12. Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng cứu người dân tại các khu vực bị ngập lụt ở tại thị xã Sông Cầu và một số địa phương bị ngập nặng.
“Phải khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, bằng mọi cách phải tiếp cận người dân khu vực bị ngập lụt, chia cắt, nắm chắc số lượng người cần cứu hộ, hỗ trợ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân”, ông Phạm Đại Dương chỉ đạo.
Trong khi đó tại Bình Định để khắc phục thiệt hại do bão 12 và mưa, lũ sau bão, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao cho đoàn công tác liên ngành của tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát thiệt hại, kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân sớm ổn định đời sống, sản xuất.
“Sau ngày 20/11, các huyện, thị xã, thành phố không báo cáo thiệt hại thì địa phương tự cân đối ngân sách để khắc phục. Một số địa phương linh động trích ngân sách để khắc phục hậu quả mưa lũ, Sở Tài chính cân đối ngân sách báo cáo UBND tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương”, ông Dũng yêu cầu.
Trước khả năng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục chịu ảnh hưởng của cơn bão số 13, UBND các tỉnh này đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh chịu trách nhiệm kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở để di dời dân đến nơi an toàn. Đối với vùng ven biển, vùng thường bị ngập lũ, triển khai phương án sơ tán dân. Bên cạnh đó, thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và phân công các thành viên ứng trực tại các khu vực xung yếu dễ sạt lở, các hồ chứa nước xung yếu, nhằm hạn thế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi.