Nhắc đến những doanh nghiệp ngành dược niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, quán quân thị giá của ngành thuộc về một công ty dược phẩm thuốc Nam - Công ty cổ phần Nam Dược (mã chứng khoán NDC).
Có thể thấy, thị giá cổ phiếu NDC đã có sự tăng trưởng ngoạn mục trong vòng hơn 2 năm qua. Cụ thể, đầu năm 2018, cổ phiếu này duy trì ở vùng giá khoảng 25.000-30.000 đồng/cổ phiếu thì đến đầu năm 2019 đã lên vùng giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Và đến, cuối năm 2020, thị giá cổ phiếu NDC đã giao dịch quanh vùng 60.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2021, cổ phiếu này có sự bứt phá mạnh mẽ từ vùng giá 60.000 đồng/cổ phiếu lên mốc 100.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 6. Chưa dừng lại ở đó, NDC tiếp tục chinh phục các cột mốc và hiện đã vượt qua vùng giá 120.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, thị giá NDC tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2020 và gấp 4,8 lần so với hồi đầu năm 2018.
Thậm chí, NDC đã chinh phục mốc 133.500 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 19/8 vừa qua. Hiện tại, cổ phiếu NDC đang giao dịch trong vùng giá khoảng 128.000 đồng/cổ phiếu.
Bí quyết nằm ở chiến lược phát triển bền vững mang tên ngôi nhà Nam Dược
Không phải bỗng dưng thị giá cổ phiếu của Nam Dược lại có những bước “leo núi” ngoạn mục như vậy mà điều đó nhờ vào kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc liên tục 7 năm.
Cụ thể, kể từ năm 2016 tới nay, tốc độ tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận của NDC hầu hết đều đạt con số dương. Cụ thể, doanh thu năm 2020 tăng trưởng 13,5% so với năm 2019 đạt 587 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 41%, đạt 72 tỷ đồng. Gần đây nhất trong năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 song tình hình kinh doanh của NDC vẫn rất khả quan, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm tăng sức đề kháng và phòng Covid-19 tăng đột biến. Kết quả, doanh thu lập kỷ lục kể từ khi hoạt động đạt 640,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% so với năm 2020.
Bước sang năm 2022, Nam Dược đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 720 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm trước đó. Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gần 6% so với năm trước, lên mức 72 tỷ đồng.
Bà Lưu Thị Gấm, Trưởng phòng Marketing Công ty Nam Dược cho biết: “Nếu như tăng trưởng 1-2 năm thì đó chỉ là cách làm “hớt váng” còn như Nam Dược đã xây dựng cho mình một chiến lược đúng đắn, giải pháp đồng bộ qua đó mang lại kết quả tăng trưởng liên tục 7 năm”.
Chia sẻ kỹ hơn về những chiến lược và giải pháp đã giúp Nam Dược đạt được những bước tiến trong những năm qua, ông Hoàng Minh Châu, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nam Dược cho biết: “Để đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy là nhờ vào mấy yếu tố sau. Thứ nhất, từ năm 2012-2013, Nam Dược tái cấu trúc, xây dựng lại hệ thống và hoàn thiện các quy trình quản lý và xác định chiến lược phát triển bền vững. Thứ hai, chúng tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, củng cố nguồn lực và nâng cao năng lực nội tại”.
Theo ông Châu, sau khi xác định chiến lược phát triển bền vững, công ty đã xây dựng mô hình ngôi nhà Nam Dược gồm nền móng là văn hóa doanh nghiệp; 5 trụ cột là cấu trúc, sản phẩm, con người, hệ thống và quản trị; Cuối cùng mái nhà Nam Dược là tầm nhìn - sứ mệnh.
Phân tích về 5 trụ cột của ngôi nhà Nam Dược, ông Châu chia sẻ: “Trụ cột thứ nhất là cấu trúc chính là cơ cấu tổ chức của công ty. Chúng tôi có 600 cán bộ nhân viên trong đó có 50 cán bộ quản lý với 50 chức danh từ hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, các quản lý cấp trung cho đến nhân viên, bảo vệ, lễ tân… Trong cơ cấu đó, mỗi người sẽ có một thế mạnh khác nhau cùng hợp tác trên một nền văn hóa của doanh nghiệp mang sứ mệnh phát triển.
Trụ cột thứ hai là sản phẩm. Nam Dược đẩy mạnh đầu tư vào gian hàng, chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi không chọn những sản phẩm mang tính chất riêng biệt mà tập trung vào những sản phẩm thông thường có thể sử dụng ở mọi gia đình Việt Nam. Tôi lấy ví dụ như với đối tượng trẻ em hiện đang có hơn 200 sản phẩm dùng trong lẫn dùng ngoài. Cụ thể, với dùng trong có bộ sản phẩm siro gồm siro ăn ngon, siro thanh độc, kẹo dẻo canxi, siro canxi để tăng trưởng chiều cao. Với sản phẩm dùng ngoài, chúng tôi có dầu tràm Ích Nhi sữa tắm thảo dược, kem đánh răng thảo dược, gạc rơ lưỡi răng miệng thảo dược, kem bôi da mẩn ngứa côn trùng đốt…”, ông Châu nói.
Trụ cột thứ ba là con người. Khi cCng ty đi vào giai đoạn phát triển thì con người là yếu tố quan trọng và văn hóa là cái dẫn dắt mọi công cuộc kinh doanh.
Trụ cột thứ tư là hệ thống gồm hệ thống bán hàng marketing, dây chuyền sản xuất, hệ thống phần cứng, phần mềm… và trụ cột cuối cùng là quản trị, tức là thực thi và kiểm soát.
Còn với mái nhà của Nam Dược tức tầm nhìn - sức mạnh, Nam Dược mang tầm nhìn trở thành công ty dược phẩm danh tiếng, là Thương hiệu Quốc gia về các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược và tự nhiên ở Việt Nam. Sứ mệnh của Nam Dược là cam kết phát triển tinh hoa Y học cổ truyền và tiềm năng dược liệu Việt Nam, sáng tạo ra sản phẩm có hiệu quả cao, an toàn, tiện dụng, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nam Dược luôn cổ vũ tinh thần tự hào, tin dùng thuốc Nam, từng bước phổ biến ra khu vực và thế giới.
“Nếu sản phẩm không tốt thì cột trụ đấy đương nhiên là kém, con người không phù hợp thì cột trụ đấy sẽ yếu, không tổ chức được cơ cấu công ty vững mạnh. Do đó, móng tốt và các trụ cột tốt thì công ty sẽ đạt được tầm nhìn tức mái nhà. Móng càng tốt và cột trụ càng tốt thì doanh nghiệp xây được ngôi nhà càng cao. Do đó, phần văn hóa doanh nghiệp là quan trọng nhất. Chúng tôi theo đuổi triết lý kinh doanh: Giá trị cốt lõi là vì khách hàng. Đây là giá trị dẫn đường cho Nam Dược. Từ năm 2014 khi áp dụng triết lý này, Nam Dược đã đạt rất nhiều sự thay đổi và được thể hiện qua các con số về doanh thu, lợi nhuận qua từng năm”, ông Châu nói.
Bứt phá trong 5 năm tới với mục tiêu doanh thu khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng
Với một chiến lược phát triển bền vững, vị Tổng Giám đốc Nam Dược cho rằng trong 5 năm tới (2021-2026) được dự báo là giai đoạn bứt phá của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đặt mục tiêu cho giai đoạn này doanh thu vào khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Nam Dược triển khai bán hàng đa kênh. Bên cạnh kênh truyền thống, doanh nghiệp triển khai thêm kênh tiêu dùng ở lĩnh vực dược mỹ phẩm gồm các sản phẩm sữa tắm, kem đánh răng, yến sào… tại các hệ thống mẹ và bé và tạp hóa. Tiếp đến, Nam Dược bán trên sàn thương mại điện tử, bán trực tiếp đến người tiêu dùng.
Đặc biệt, Nam Dược chuẩn bị khai trương các showroom dược liệu quý ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi thấy nhu cầu mua dược liệu quý để dùng và biếu rất lớn. Chúng tôi định hướng khi người tiêu dùng cần các sản phẩm dược liệu quý nhập khẩu như hồng sâm, linh chi Hàn Quốc, đông trùng hạ thảo Tây Tạng hay các loại dược liệu quý Việt Nam như đông trùng hạ thảo, yến sào, nhung hươu, tam thất… thì cửa hàng của Nam Dược sẽ là một điểm đến uy tín, tin cậy.
“Tôi cho đây là hướng đi rất mới mà chưa có doanh nghiệp nào làm bài. Nam Dược đặt mục tiêu sẽ trở thành doanh nghiệp số 1 về dược liệu quý ở Việt Nam”, vị CEO Nam Dược kỳ vọng.
Đặc biệt, Nam Dược mang khát vọng đưa dược liệu Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Hiện nay, chúng tôi đang từng bước chuẩn bị các khâu từ chọn sản phẩm đến thị trường xuất khẩu. “Chủ trương của chúng tôi là lấy mục tiêu xuất khẩu làm niềm tự hào dân tộc. Chúng tôi không cần phải lấy doanh thu, lợi nhuận mà sẽ bán rẻ để vào được thị trường của các nước”, ông Châu nói.
Để từng bước chinh phục mục tiêu, Nam Dược tập trung đẩy mạnh phát triển vùng trồng đạt tiêu chuẩn Thực hành nuôi trồng và thu hái Dược liệu sạch theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới GACP-WHO. Đây là điều mà không nhiều doanh nghiệp trong nước chú trọng. Hiện tại, Nam Dược là một trong số ít các doanh nghiệp sở hữu số lượng vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO nhiều nhất, trong đó vùng cát cánh có diện tích trồng lớn nhất gần 100ha. Trong thời gian tới, Nam Dược tiếp tục đẩy mạnh mở rộng phát triển vùng trồng cát cánh (huyện Bắc Hà, Lào Cai), vùng trồng quất (huyện Vụ Bản, Nam Định), vùng trồng dây thìa canh (huyện Hải Hậu, Nam Định), vùng trồng đậu nành (huyện Vụ Bản, Nam Định), vùng trồng phòng phong (huyện Đồng Văn, Hà Giang).
Ngoài ra, Nam Dược còn có các vùng chuẩn bị chuẩn hóa như vùng trồng húng chanh (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp), vùng trồng mạch môn (Phú Thọ) và vùng trồng cà gai leo (Hà Tây).
Với những gì có được, lãnh đạo của Nam Dược tự tin Công ty sẽ trở thành 1 trong 5 công ty Đông dược uy tín nhất Việt Nam.