Ngành công tác dân tộc xác định, năm 2023 là năm bản lề quan trọng, với nhiều nhiệm vụ lớn, nặng nề để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBDT đã phối hợp với các bộ, ngành cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình công tác dân tộc với khối lượng công việc lớn, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là thực hiện đồng thời 03 Chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Để nắm tình hình công tác dân tộc, nhất là việc triển khai Chương trình MTQG 1719, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, UBDT đã tổ chức các đoàn công tác đến hơn 40 địa phương và tham gia một số đoàn công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm việc tại một số tỉnh, thành phố vùng DTTS.
Trong năm qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã đăng đàn trả lời chất vấn về lĩnh vực công tác dân tộc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719… Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá là thẳng thắn, trách nhiệm, nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn. Sau kỳ họp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 100/2023/QH15 giao nhiệm vụ cho Chính phủ, trong đó có UBDT và các bộ, ngành thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về công tác dân tộc trong thời gian tới.
Trả lời báo chí nhân dịp khép lại năm 2023, bên thềm năm mới 2024, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII Đảng; Đề án tổng thể và Chương trình MTQG 1719. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, UBDT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc. Cụ thể hóa Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thành các Đề án, chương trình cụ thể. Gấp rút phối hợp bộ ngành, địa phương rà soát, tham mưu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc. Đây là văn bản pháp lý hết sức quan trọng về lĩnh vực công tác dân tộc.
Đồng thời, năm 2023 là năm UBDT chủ trì, phối hợp rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế đặc thù thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 để tham mưu cho Chính phủ cơ chế thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Đến thời điểm này, Chương trình MTQG 1719 đạt tốc độ giải ngân khá.
“Một dấu ấn quan trọng nữa trong năm 2023, đó là UBDT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức biểu dương Người có uy tín; học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu, nhằm động viên, khích lệ tinh thần vươn lên, lan tỏa tấm gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS. Đã góp phần khẳng định tính ưu việt của chính sách dân tộc; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và toàn xã hội dành cho đồng bào DTTS”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, trong năm qua, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện hiệu quả. Điều này đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng DTTS và miền núi nói riêng và cả nước nói chung. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được đảm bảo. Trong năm 2023, UBDT và các địa phương đã tổ chức các đoàn công tác liên ngành đi thăm hỏi, tặng quà tập thể, hộ nghèo, gia đình chính sách người DTTS, Người có uy tín vào dịp Lễ tết. Ngoài ra, còn huy động các nguồn lực xã hội, trao hàng nghìn phần quà cho các hộ gia đình DTTS nghèo, gia đình chính sách, học sinh DTTS...
Khép lại năm 2023, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vẫn chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa bền vững; đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn….
Theo chia sẻ Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh, năm 2024 là năm rất quan trọng - năm then chốt hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm tăng tốc, về đích thực hiện chính sách dân tộc của giai đoạn. Ngành công tác dân tộc sẽ tiếp tục quán tổ chức triển khai đầy đủ Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận.... của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về công tác dân tộc. Tham mưu hoàn thiện thể chế, cơ chế thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, động viên khích lệ, phát huy nội lực vươn lên của người dân. Tăng cường phối hợp, kiểm tra, đôn đốc nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Góp phần tham, mưu cho Đảng, Nhà nước điều chỉnh chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác chuẩn bị tổng kết chính sách dân tộc của giai đoạn, xây dựng khung chương trình cho giai đoạn 2026 - 2030 đảm bảo tính khả thi. Đối với Chương trình MTQG 1719, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế đặc thù, thông tư văn bản hướng dẫn giai đoạn tiếp theo, theo hướng tập trung, tránh chồng chéo, phù hợp với thực tiễn.