Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 29/9, đã có 210.247.4927 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.469.475 ca bệnh đang điều trị, có 18.377.695 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 91.780 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 89.878 ca nhiễm mới, Mỹ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Anh (34.526 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (28.892 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.680 ca, sau đó là Nga (852 ca) và Brazil (744 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 75.550.050 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 29/9, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 135.020 ca nhiễm mới và 2.097 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 28.892; 21.901 và 13.846 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là: Ấn Độ (375 ca); Malaysia (240 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (239 ca).
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 130.668 ca nhiễm và 2.043 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 58.720.938 ca nhiễm mới và 1.219.775 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Anh, Nga và Romania là 3 nước có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 34.526; 21.559 và 11.049 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực, với 852 ca, tiếp sau đó là Romania (208 ca) và Anh (167 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 52.919.630 ca, trong đó có 1.073.056 ca tử vong và 40.996.673 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 89.878 ca nhiễm và 1.680 ca tử vong mới vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Cuba với 6.009 ca, Mexico với 3.007 ca nhiễm mới; và Mexico với 230 ca, Guatemala với 59 ca tử vong mới vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 20.595 ca nhiễm và 888 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 37.749.642 ca và 1.153.488 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 15.395 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 1.825 ca và Colombia với 1.686 ca. Đồng thời, với 744 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 84 ca tử vong mới và Colombia với 41 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 29/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.330.346 ca, trong đó có 210.139 ca tử vong và 7.624.723 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.898.888 ca nhiễm và 87.417 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.367 ca nhiễm mới và 201 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 930.891 và 705.474 ca nhiễm bệnh cùng 14.225 và 24.794 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 223.016 ca nhiễm (tăng 2.421 ca) và 2.857 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 49 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 1.887 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 100.919 ca, trong đó 1.256 ca tử vong (tăng 11 ca).
Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới đang tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, phát triển và tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.
Theo trang nationalpost.com cho biết các cơ sở y tế thuộc tỉnh Ontario của Canada đang xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 ngay khi các mũi tiêm phòng COVID-19 được cấp phép cho trẻ em. Thị trưởng thành phố Toronto John Tory cho biết hoạt động tiêm chủng sẽ giúp đảm bảo an toàn cho trẻ em và cung cấp sự bảo vệ tốt hơn tại các trường học và nhiều cộng đồng trong thành phố, khu vực hiện có khoảng gần 200.000 trẻ em từ 5 - 11 tuổi.
Tại thủ đô Ottawa, Cơ quan y tế công cộng Ottawa đang phối hợp với các bên nhằm tiêm chủng cho 77.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11. Trẻ em sinh sau năm 2009 hiện không đủ điều kiện để tiêm bất kỳ loại vaccine nào đã được phê chuẩn tại Canada. Công ty Pfizer cho biết công ty này dự định xin cấp phép vaccine dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11.
Trong khi đó, tại Mỹ, các hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức ngày 28/9 thông báo đã bắt đầu đệ trình dữ liệu lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Thông báo của 2 hãng dược phẩm khẳng định "những dữ liệu đã được chia sẻ với FDA để cơ quan này xem xét bước đầu". Cũng theo thông báo, đơn xin cấp phép tương tự sẽ được đệ trình tới Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và các cơ quan khác./.