Là người con của huyện Mường Lát, gắn bó với dự án trồng rừng từ những ngày đầu, ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư huyện ủy Mường Lát, nhớ lại: Năm 2012, tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Lát để thực hiện dự án trồng rừng 147. Đây là chủ trương lớn, nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất.
Mục đích của dự án này, không chỉ nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn nhằm mục đích trồng rừng thoát nghèo cho đồng bào. Kỳ vọng lớn, nên để người dân tích cực hưởng ứng, Chính phủ cấp gạo hỗ trợ với mức 10 kg/khẩu/tháng cho người dân.
Sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng, tỉnh Thanh Hóa xác định, địa hình của huyện Mường Lát phù hợp để trồng xoan và lát. Ngay sau đó, chương trình trồng rừng được tiến hành khẩn trương, các đoàn công tác hướng dẫn người dân kỹ thuật và cung cấp giống.
“Lúc đó người người trồng rừng, nhà nhà trồng rừng, ai cũng phấn khởi và hi vọng thoát nghèo nhờ cây xoan, lát. Những năm đầu, xoan phát triển tốt, nhưng sau đó thì không chịu lớn thêmnữa, tính đến nay cũng đã gần chục năm rồi”, ông Thông nói với giọng buồn.
Đến thăm đồi xoan của nhà anh Giàng A Tụa (41 tuổi), dân tộc Mông, ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung. Là một hộ nghèo, anh Tụa luôn mong mỏi có kế sinh nhai và thoát nghèo bền vững.
9 năm trước, anh được tham gia dự án chuyển đổi đất nương sang trồng xoan. Với 1 ha xoan từ năm 2012, những cây xoan ban đầu xanh tốt, hứa hẹn tương lai sáng sủa, thế nhưng chờ mãi cây cứ lẹt đẹt chẳng chịu lớn.
Cứ như đứa trẻ bị còi xương, chăm mãi không lớn. Trồng ngô, trồng sắn có khi còn được ăn hơn.
Ông Sung Xay PóNgười dân bản Chim, xã Nhi Sơn
“Tôi xót ruột, ngày ngày đều lên ngắm nghía rừng xoan, tỉa cây cỏ dại, phát quang cho cây có không gian phát triển nhưng vẫn không ăn thua”, anh Tụa ngao ngán chỉ vào những cây xoan 9 tuổi chỉ to bằng bắp chân người, thậm chí có cây còn nhỏ bằng cổ tay.
Tương tự là hoàn cảnh của ông Sung Xay Pó, ở bản Chim, xã Nhi Sơn. Dù chán nản với cây xoan, nhưng vì là “cây của Nhà nước” nhưng ông không dám chặt bỏ.
Ông Pó nhớ những năm 2011 - 2012, hàng ngày ông lên nương từ sáng tinh mơ để đi trồng xoan, hi vọng mở ra cánh cửa thoát nghèo cho bản làng, cho gia đình ông. Nhưng thời gian trôi đi, ông vỡ mộng khi chứng kiến rừng xoan không phát triển,
Nhiều người dân có diện tích xoan cũng nói, họ muốn trồng thêm các loại cây ngắn ngày dưới tán xoan như bầu bí, khoai mán, khoai sọ nhưng chúng không sống được. Vì thế, ngoài gạo hỗ trợ trồng rừng của Nhà nước, họ không có thêm thu nhập khác.
Tính từ cuối năm 2011 đến năm 2019, đồng bào huyện Mường Lát đã trồng, chăm sóc lên đến 17.000 ha xoan, lát. Đây có thể nói là thời kỳ diện tích phủ xanh đồi trọc lớn nhất từ trước đến nay, mang theo bao kỳ vọng về giấc mơ xóa đói, giảm nghèo, nhưng vẫn chưa thành hiện thực.
“Ban đầu khi thực hiện dự án, chính quyền tính toán cho thấy, cây xoan có thể cho thu hoạch trong vòng 6 - 7 năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô, sắn. Tuy nhiên, lứa đầu tiên đến nay đã 9 năm chưa có thu hoạch”, ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư huyện ủy Mường Lát chia sẻ.
Được biết, tại nhiều kỳ họp HĐND huyện Mường Lát, cử tri có ý kiến về việc chậm thu hoạch và nói thẳng cây xoan là không hiệu quả. Tiếp thu ý kiến của cử tri, huyện đã báo cáo lên tỉnh, tuy nhiên tỉnh chưa có đánh giá tổng kết thì chưa thể cho dân khai thác hay chuyển đổi cây trồng được. Bởi vậy, đến nay người dân vẫn loay hoay với diện tích xoan còi cọc và đói nghèo bủa vây.
Liên quan vấn đề này, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, Sở NN&PTNT đã xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp - xây dựng nông thôn mới trình UBND và các sở, ban ngành liên quan, cho ý kiến trước khi hoàn thiện gửi Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo hoàn thiện trước khi trình BCH Đảng bộ tỉnh. Riêng đối với huyện huyện biên giới Mường Lát dự kiến sẽ có một đề án riêng về phát triển nông nghiệp hậu cây xoan.
Theo ông Cường, với đề án này, Sở NN&PTNT sẽ tính toán chi tiết rõ đến từng hộ gia đình, và có quy định cụ thể hơn đối với những người tham gia trồng rừng. Chẳng hạn như, nhà có 3 ha thì 1 ha là trồng rừng phát triển kinh tế, 1 ha trồng rừng phòng hộ và 1 ha còn lại là trồng cây dược liệu, cây ngắn ngày và chăn nuôi… như thế vừa đảm bảo được sinh kế của người dân mà vẫn đảm bảo được mục tiêu phủ xanh.
"Tất cả những trăn trở về hướng đi cho phát triển kinh tế Mường Lát, thời gian tới Sở phối hợp với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có những đánh giá cụ thể về điều kiện đất đai, điều kiện cây trồng, hiệu quả từng loại cây trồng, cơ chế chính sách cụ thể trước khi trình tỉnh, các ngành, đơn vị về đề án riêng cho Mường Lát", ông Cường cho biết thêm.