Duy trì nếp sống văn hóa mới
Đồng bào Mông huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa sinh sống tập trung ở 39 bản (01 bản xen ghép là bản Na Tao, xã Pù Nhi) thuộc địa bàn 6 xã, với tổng số hơn 3.500 hộ, hơn 19.000 nhân khẩu, chiếm 44,1% dân số toàn huyện. Hầu hết các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đều là vùng sâu, vùng xa, thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông đã được UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là thời gian tổ chức tang lễ được rút ngắn, người chết đã đưa vào quan tài, việc tổ chức ăn uống linh đình tốn kém đã giảm...
Để nếp sống văn hóa mới trong tang lễ luôn được duy trì, ăn sâu bám rễ vào thói quen sinh hoạt, nhận thức của đồng bào, xóa bỏ hoàn toàn tập tục lạc hậu; đồng thời, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông, UBND huyện Mường Lát cũng đã ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND, ngày 07/9/2021 triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2025 và được triển khai cụ thể theo từng năm.
Thực hiện kế hoạch này, huyện cũng đã thành lập "Ban tuyên truyền, vận động" thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông cấp huyện và cấp xã, các "Tổ tuyên truyền, vận động" ở các bản có đồng bào Mông sinh sống. Công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện tại các bản có đồng bào Mông sinh sống, với các hình thức như: tổ chức hội nghị tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt thôn, bản; tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí, hệ thống phát thanh - truyền hình từ huyện tới cơ sở... qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ.
Xã Trung Lý có 11/15 bản có đồng bào Mông sinh sống, chiếm 67% dân số toàn xã. Trước đây, đồng bào dân tộc Mông xã Trung Lý luôn giữ quan niệm, người Mông khi mất phải được treo trên chiếc cáng đặt ở giữa gian nhà, thời gian người mất ở trong nhà càng lâu thì càng thể hiện sự thương nhớ của người thân dành cho người mất; gia đình có người mất phải mổ nhiều trâu, bò, ăn uống linh đình để thể hiện sự báo hiếu của các con cháu và dành để thết đãi bà con, họ hàng.
Nhưng hiện nay, các hủ tục lạc hậu, gây tốn kém cho người dân đã bị đẩy lùi khỏi các bản người Mông ở Trung Lý. Đồng bào đang nỗ lực duy trì thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ.
Ông Giàng A Lâu, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết: Để có được kết quả tích cực này, giải pháp đầu tiên đó chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mỗi bản làng, mỗi gia đình, dòng họ. Đến nay, 11/11 bản Mông của xã đã thực hiện việc đưa người mất vào quan tài. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, thì trong tang lễ của đồng bào Mông vẫn còn một số hủ tục rườm rà, tốn kém cần phải loại bỏ như: tình trạng có người đến viếng, chia buồn với gia chủ mang thịt, rượu đến để thực hiện nghi lễ báo với người mất, sau đó tổ chức ăn, uống ngay tại chỗ; Việc bắt giết mổ trâu, bò để báo hiếu với người quá cố tuy đã giảm nhưng vẫn còn...;
Để 100% đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì hoạt động của "Ban tuyên truyền, vận động" nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông cấp xã, các "Tổ tuyên truyền, vận động" ở các bản; phối hợp với Đồn Biên phòng Trung Lý, các Đội liên ngành thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ ở các bản có đồng bào Mông.
Tiếp tục tuyên truyền ở giai đoạn mới
Xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát) có tới 99% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm gần đây, đời sống bà con đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hủ tục lạc hậu được đẩy lùi.
Bà Sung Thị Xia, Phó Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn cho biết: toàn xã có 684 hộ, hộ nghèo chiếm 40,32%; hộ cận nghèo còn 28,45%. Những con số hộ nghèo này đã giảm rất nhiều so với những năm trước. Nhờ được tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng, bà con đã tiếp thu những kiến thức mới, bài trừ những hủ tục lạc hậu, gây cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo bà Xia, hiện nay, 100% người dân của xã đã thay đổi nhận thức trong thực hiện tang lễ, không còn hộ gia đình nào, dòng họ nào giữ hủ tục không đưa người chết vào quan tài. Có được kết quả này, là nhờ các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào người Mông, đặc biệt là Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.
"Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tranh thủ, phát huy vai trò của Người có uy tín, trưởng dòng họ trong công tác vận động, tuyên truyền thực hiện nếp sống mới trong tang lễ, bởi trong cộng đồng người Mông lời nói, hành động của Người có uy tín, trưởng dòng họ mang tính quyết định nội dung, hình thức thực hiện các nghi lễ", bà Xia cho hay.
Theo bà Trương Thị Huyên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát, Đề án đưa người chết vào quan tài đã thành công. Hầu hết đồng bào Mông trên địa bàn huyện đã thay đổi nhận thức, thực hiện nếp sống văn hóa mới hòa nhập theo các dân tộc khác. "Đám ma của người Mông hiện giờ cũng được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản như người Thái, người Dao, họ chủ động mua quan tài và tổ chức lễ tiết kiệm hơn”, bà Huyên chia sẻ.
Giai đoạn tới, huyện sẽ tiếp tục lồng ghép thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, với các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, phối hợp với “Ban Tuyên truyền, vận động” cấp huyện, xã và các “Tổ Tuyên truyền, vận động” của bản tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hoá trong tang lễ, hiến đất, giải phóng mặt bằng cho quy hoạch nghĩa địa và đường đi ra nghĩa địa, vận động Nhân dân tu sửa, làm đường giao thông đến nghĩa địa của bản.