Đã 2 năm rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm về một ngày đầu Đông, khi lần đầu được đặt chân đến thành phố ngàn hoa. Đón tôi là chị Tạ Thị Phương, người đã 10 năm sống ở nơi đây. Chị rót một chén trà nóng và mời tôi ăn một trái hồng treo gió đầu mùa. Chị Phương nói: Đến Đà Lạt mà không ăn đặc sản này, thì coi như chưa đến.
Cầm trái hồng vàng ruộm trên tay, hít hà cái ngọt vương vấn nắng gió cao nguyên. Cắn một miếng, mật hồng trào ra trong miệng, ngọt ngào lịm sắc, dẻo quánh, luyến lưu tới tận cuống họng. Trong cái gió se lạnh phảng phất trên vai khẽ khàng thấm vào da, thưởng thức hương vị ấy thật khó lòng mà quên được. Vị hồng treo gió y như người Đà Lạt vậy đó, giản dị, chân chất nhưng sâu sắc thâm trầm, hiền lành dễ mến nhưng ai xa rồi cũng sẽ nhớ thương.
Thực ra, từ cỡ 40 năm trước, các nhà vườn ở Đà Lạt đã thực hiện làm hồng khô. Nhưng họ chỉ làm thủ công, nhỏ lẻ, nếu có áp dụng công nghệ thì cũng là công nghệ cũ, khiến chất lượng hồng sấy không đồng đều, thậm chí khâu điều chỉnh lò than để sấy hồng cũng không đều lửa, khiến sản phẩm có màu hơi đen và không bắt mắt.
Còn hiện nay, trái hồng khô Đà Lạt nức tiếng thị trường được áp dụng công nghệ Nhật Bản. Ông Trần Phú Lộc, Giám đốc Doanh nghiệp chế biến nông sản Shin Sang (TP. Đà Lạt) - một trong những người tiên phong chế biến trái hồng theo công nghệ Nhật Bản cho biết, hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản là sản phẩm được sấy khô bằng gió và nắng tự nhiên.
Hồng được chọn là các loại hồng đặc sản của Đà Lạt, như: Hồng vuông tứ hải, hồng trứng lốc, trứng láng… Những trái hồng được chọn làm hồng treo gió là hồng tươi, cứng chắc tay, không dập, không có vết côn trùng cắn, trái hồng phải to, đạt độ chín nhất định thì mới cho sản phẩm ưng ý. Sau đó, những trái hồng đạt chuẩn sẽ được đưa vào sơ chế, loại bỏ tạp chất rồi chuyển qua giai đoạn diệt khuẩn. Tiếp đến, hồng được cho vào máy gọt vỏ, treo lên dây và đưa vào phòng vô trùng để sát khuẩn, chống nấm mốc và hơi ẩm.
Sau đó, sản phẩm được sấy khô ở nhiệt độ 500 - 600 độ C trong vòng 3 tiếng, rồi được treo thành từng dây, rồi tiếp tục được sấy khô tự nhiên bằng nắng và gió trời theo công nghệ Nhật Bản, không qua tẩm ướp hóa chất bảo quản.
Có một kỹ thuật nghe rất lạ khi treo hồng gió, đó là mát-xa (masage) hồng. Khi hồng đã se bề mặt, vào khoảng ngày thứ 13 đến 15, sẽ xuất hiện lớp da mỏng màu cam nâu, sờ sẽ thấy dai bên ngoài và mềm bên trong. Công nhân sẽ mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn và tiến hành mát-xa từng quả hồng. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công, cũng là bí quyết riêng của từng xưởng để tạo ra hương vị khác biệt. Họ sẽ dùng găng tay, mát-xa cho từng quả hồng cực kỳ nhẹ nhàng, nắn vào những chỗ cứng để mật xuống đều khắp quả hồng, khiến hồng ngọt đều và mềm mại.
Sau khi phơi khoảng 3 tuần, hồng tươi sẽ chuyển thành những trái hồng thơm dẻo, mật quả đặc quánh bao quanh rất hấp dẫn. Quả hồng treo gió thành phẩm có bề mặt dai nhẹ, màu nâu sẫm, bên trong mềm ướt, mật vàng óng ánh, hương vị thơm và ngọt ngào khó quên.
Để có được 1 kg hồng khô treo sẽ cần khoảng 7 - 8 kg hồng trái tươi. Giá 1 kg hồng này mọi năm thường dao động trong khoảng 400 – 500 nghìn đồng. Mùa du lịch, cận Tết, những doanh nghiệp như nhà ông Lộc sẽ bị “cháy” hàng, do nhu cầu tiêu thụ của khách ngày càng tăng cao.
Nếu như trước đây, vào những mùa chín rộ, hồng Đà Lạt không ít lần phải đổ bỏ, hoặc bán với giả rẻ mạt, thì ngày nay, công nghệ sấy hồng mới đã lấy lại vị thế cho trái hồng Đà Lạt. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng đặc sản hồng khô của Đà Lạt vẫn tiêu thụ tốt. Nó đã chứng minh được hiệu quả khi nông sản được chế biến sâu trở thành đặc sản của một vùng đất.