Món quà từ đất
Măng Bút chớm mùa khô cuối năm, từng cơn gió se lạnh rong ruổi trên những đồi gần đồi xa, qua nhiều trảng đồng lồng lộng sau vụ gặt. Lúa đã về kho, người Xơ Đăng lại tất bật cho sản phẩm từ gạo đỏ của mình. Nâng niu trên tay thành phẩm sợị bún từ loại gạo đỏ đặc trưng của địa phương, chị Y Siêu, xã Măng Bút hài lòng hơn khi loại gạo đỏ của địa phương đã có thể chế biến thành những mặt hàng hấp dẫn người tiêu dùng ở khắp nơi, mở ra hướng phát triển sinh kế từ chính đất núi xứ này.
Gạo đỏ là loại gạo thuần chủng ở miền thung lung Măng Bút này. Y Siêu bảo, lúa gạo được gọi là “bao prang”, đã cấy trồng từ bao đời rồi. Người Xơ Đăng mỗi năm chỉ trồng được một mùa, thường vào tháng 2 dương lịch, sau Tết Nguyên đán, đồng bào làm đất và gieo mạ. Khi đất “ăn nước” xong thì tháng 4 bắt đầu cấy. Thời gian sinh trưởng của lúa 6 tháng, kể từ lúc cấy lúa đến độ lạnh tháng 10, tháng 11 về là lúc thu hoạch. Cây lúa bao prang dẻo dai và kiên cường như người Xơ Đăng, lúa chẳng phải bón phân, cũng không bị sâu bệnh, chỉ cần làm cỏ sạch và đủ nước là cứ thế mà sinh trưởng mạnh mẽ giữa đất trời để đơm bông và chắc hạt. Điều đặc biệt của loại gạo đỏ này là ban đầu có màu trắng đục, nhưng khi ngâm ủ thì sẽ chuyển màu đỏ, làm nên thương hiệu đặc trưng của người Xơ Đăng.
Trên thung lũng Măng Bút này, những ngôi làng như Đăk Lanh, Đăk YPai, Đăk Pong, Vang Loa, Măng Buk... đều trồng giống lúa bao prang. Những ống cơm lam, những ghè rượu mùa lễ hội đượm nồng nàn mùi đất được làm từ loại gạo đỏ này, mang theo đó là những tinh túy của đất trời. Loại gạo đỏ này người Xơ Đăng vẫn dùng để dâng cúng, cảm tạ Jàng như món quà từ đất.
Ông A Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút chia sẻ, sau thời gian dài thực hiện chuyển đổi sang gieo trồng các loại giống mới, hiện nay, trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 60ha lúa gạo đỏ, chiếm hơn 10% tổng diện tích đồng ruộng của xã. Là giống nguyên gốc, lâu đời, hiện nay các cấp, ngành đang xem xét, nghiên cứu quy trình tăng năng suất trên cơ sở sản xuất hữu cơ, an toàn. Tại thôn Đăk Lanh, năm nay là vụ mùa thứ tư, mô hình trồng lúa gạo đỏ của chị em được duy trì, thông qua hoạt động của tổ hợp tác phụ nữ DTTS. Hoạt động của tổ hợp tác được duy trì đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn giống cây trồng bản địa.
Nâng tầm cho gạo đỏ
Vài năm trước dây, lúa gạo đỏ đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum đầu tư xây dựng mô hình, xác định quy trình trồng và chăm sóc trong điều kiện tự nhiên. Cùng với đó, xây dựng chuỗi liên kết từ trồng, chăm sóc lúa đến sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ gạo đỏ. Được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, hiện nay, đồng bào Xơ Đăng không chỉ dùng lúa gạo đỏ làm lương thực, làm rượu cần, mà còn chế biến thành nhiều sản phẩm khác như bún gạo đỏ, bún gạo đỏ đẳng sâm, thanh gạo đỏ siêu hạt, thanh gạo đỏ siêu chà bông và trà gạo đỏ... Đây là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho những bữa ăn nhanh, tiện lợi những vẫn đảm bảo dinh dưỡng với chỉ số đường huyết thấp, giàu chất chống ô xy hóa.
Để nâng cao giá trị của gạo đỏ Măng Bút, nâng cao thu nhập cho đồng bào Xơ Đăng, huyện Kon Plông đã thành lập HTX T'Măng Deeng vào tháng 8/2024 tại làng Măng Buk với 10 thành viên, do Y Siêu làm tổ trưởng. Chính quyền các cấp đã hỗ trợ hệ thống máy móc để làm bún, hỗ trợ 1 máy hút chân không định hình, in bao bì, tem nhãn và hỗ trợ 1 phần gạo đỏ để các thành viên sản xuất. Các thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm gạo đỏ từ măng Bút cũng đối ứng thêm kinh phí để cùng thực hiện.
Tổ hợp tác phân chia công việc rõ ràng, một tuần làm 3 mẻ bún, mỗi mẻ phân công 3 người làm. Mỗi buổi làm đều được chấm công rõ ràng, cụ thể. Công việc vận hành máy móc đa số do các anh em đảm nhiệm, các chị em có các công việc khác như ngâm gạo, rửa bún, phơi bún, đóng gói... Tất cả các nguồn thu từ việc bán bún đang được Tổ hợp tác tổng hợp để tiếp tục làm vốn sản xuất trong thời gian tới.
Chị Y Siêu cho biết, hiện tại một kg bún gạo đỏ được đóng gói bao bì, nhãn mác và bán với giá 60.000 đồng, nếu nhập sỉ có giá 45.000 đồng/kg. Sản phẩm bún gạo đỏ được làm 100% từ gạo đỏ do bà con ở Măng Bút trồng, hoàn toàn không có chất bảo quản hoặc rất yốt cho sức khỏe. Sản phẩn này thường xuyên có mặt tại các khu du lịch ở Măng Đen, trong các hội chợ, tại các triển lãm hàng nông sản, được nhiều người tiêu chọn mua.
Thành công bước đầu của Tổ hợp tác đã giúp người Xơ Đăng nâng cao thu nhập. Thời gian tới, chính quyền cùng các đơn vị liên quan sẽ tổ chức tập huấn giúp Tổ hợp tác nâng cao kiến thức về bán hàng, quản lý ngân sách để hoạt động hiệu quả nhất. Đồng thời trang bị thêm các kiến thức cơ bản để làm ra các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe để phục vụ cho người tiêu dùng.
Ông A VinhPhó Chủ tịch UBND xã Măng Bút