Bất chấp những rủi ro
Những ngày gần đây, xã miền núi Điền Lư, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa trở nên đìu hiu và u ám hơn sau vụ vỡ hụi gây chấn động. Nhiều gia đình trong tâm lý hoang mang, mất ăn mất ngủ, khóc cạn nước mắt vì chẳng biết bao giờ mới có thể lấy lại được khoản tiền đã bỏ ra trước đó.
Mặc dù là xã nghèo của huyện Bá Thước, nhưng số lượng người chơi hụi tương đối lớn. Theo thông tin được biết, từ năm 2020 đến nay, lợi dụng lòng tin của người dân, bà Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1976, ở xã Điền Lư, huyện Bá Thước đã vay tiền mặt và huy động tiền hụi của hơn 100 người dân dưới nhiều hình thức khác nhau, với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Trong đó, người tham gia chơi hụi số tiền ít nhất là 19 triệu đồng, người nhiều nhất là 1,4 tỷ đồng. Ngày 30/6/2022, bà Nguyễn Thị Minh đã công bố vỡ nợ do không có khả năng trả nợ số tiền lớn trên.
Với hy vọng thoát khỏi nghèo túng, những người dân nghèo đã quyết định đầu tư vào tiền ảo, nhẹ dạ cả tin nên nhiều bà con đã mất trắng khoản tiền dành dụm lâu nay. Khi những chủ hụi tuyên bố “vỡ hụi”, thì cũng là lúc hàng trăm người dân rơi vào tình cảnh lao đao, “đứng ngồi không yên”. Nhiều nạn nhân, gia đình cũng rơi vào cảnh khốn đốn, số tiền có được từ mồ hôi, công sức và nước mắt đã “không cánh mà bay”.
Không chỉ riêng trường hợp vỡ hụi tại xã Điền Lư, từ nhiều năm trở lại đây, việc chơi hụi, phường như một cái nghề kiếm cơm của bà con các xã nghèo miền núi. Có thể kể đến như cuối năm 2019, cũng tại Thanh Hóa, hàng chục người dân ở huyện nghèo Như Xuân (Thanh Hóa) làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng về việc bị gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh ở thị trấn Yên Cát “giật hụi” với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Trước khi tuyên bố vỡ hụi, chủ hụi tại đây đã tẩu tán hết tài sản, chuyển những đất đai cho người khác, khiến hàng trăm người không thể lấy được tiền.
Cuối năm 2019, tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), bằng hình thức góp hụi, rất nhiều người dân đã đóng số tiền từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng cho các chủ hụi tại địa phương để hy vọng hưởng lãi suất cao. Sau một thời gian, nhóm đối tượng này không có khả năng chi trả, dẫn đến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, khi số tiền mà họ đóng hụi có được do dành dụm hoặc vay mượn ngân hàng.
Những vụ vỡ hụi xảy ra tại những huyện miền núi ở Thanh Hóa hay Quảng Bình chỉ là 2 trong số những vụ vỡ hụi liên tiếp trong thời gian gần đây. Những vụ việc lừa đảo liên quan đến hụi một phần do sự chủ quan, thiếu quan tâm, tìm hiểu của người tham gia.
Lựa chọn hình thức tiết kiệm, tích góp an toàn, tránh rủi ro
Những vụ vỡ hụi gây xôn xao trong những năm gần đây thực sự là lời cảnh báo đối với những ai đã và đang tham gia hình thức huy động vốn có lãi này. Bởi theo thời gian, hình thức góp vốn này đã dần biến tướng. Nó trở thành một hình thức vay nợ hoàn toàn dựa trên quan hệ dân sự, không có sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Và khi chủ hụi không còn khả năng chi trả, người chơi cũng không thể kêu ai.
Trao đổi với phóng viên, Ts. Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học giải thích, chơi hụi là cách thức một nhóm người cùng đóng góp một số tiền bằng nhau theo tháng, theo tuần. Người dân chơi hụi với mong muốn chính là lãi suất chơi hụi thường cao hơn lãi suất ngân hàng, bởi vậy có bao nhiêu tiền tích góp được, thậm chí là đi vay mượn họ đều dồn vào để chơi. Chủ hụi với những lời hứa hẹn đánh vào lòng tin của người dân, xây dựng vỏ bọc hào nhoáng để nhiều người tin và làm theo.
Tuy nhiên, theo Ts. Đào Trung Hiếu, hình thức gửi tiền này mang lại nhiều rủi ro cho người chơi vì không có tài sản bảo đảm, chỉ có đơn giản mấy giấy tờ giao dịch hoặc nhiều trường hợp tin tưởng nhau thì trao đổi, giao dịch bằng miệng. Do vậy, người dân nên lựa chọn các hình thức tiết kiệm, tích góp an toàn, tránh rủi ro.
“Để bảo đảm quyền lợi cho người dân khi xảy ra tranh chấp khi chơi hụi, người dân nên có sổ sách ghi chép rõ ràng về quá trình chơi và yêu cầu chủ hụi cung cấp các chứng từ có liên quan, như ghi biên nhận có ký tên giao nhận tiền, ngày tháng giao nhận tiền, số tiền giao nhận… Ngoài ra, nên lập hợp đồng chơi hụi có xác nhận của chính quyền địa phương. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền lợi của người chơi khi xảy ra vỡ hụi”, Ts. Đào Trung Hiếu nói.
Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/2/2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường rất chi tiết, cụ thể. Khi đó, việc thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản và văn bản thỏa thuận này phải được công chứng, chứng thực (nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu). Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên.
Luật quy định, chủ hụi phải thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi; thông báo đầy đủ về số lượng dây hụi; phần hụi, kỳ mở hụi; số lượng thành viên của từng dây hụi. Chủ hụi phải giao các phần tiền hụi cho thành viên lãnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi. Tuy nhiên trên thực tế thì phần lớn việc chơi hụi, chơi họ đều không tuân thủ theo quy định của Nhà nước.