Dấu ấn rõ nét nhất về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của lĩnh vực công tác dân tộc phải kể đến, là các chuyến thăm, làm việc song phương, đa phương của các đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc dẫn đầu, làm việc tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Điển hình nhất là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tới Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào trên cương vị là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Hai bên đã thống nhất, cùng nhau tập trung giải quyết các vấn đề hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững vùng DTTS, miền núi. Chuyến thăm đã để lại nhiều dấu ấn, đưa mối quan hệ hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc đi vào chiều sâu, thực chất hơn; góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước.
Hay chuyến thăm và làm việc với Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia theo thỏa thuận hợp tác. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tới Campuchia sau khi Thỏa thuận hợp tác được ký kết từ năm 2017. Trong chuyến công tác, hai bên đã cụ thể hóa kế hoạch hợp tác và thống nhất nhiều nội dung quan trọng về quan điểm hợp tác, lộ trình chia sẻ kinh nghiệm của hai nước trong lĩnh vực công tác dân tộc...
Các chuyến thăm cấp cao của Ủy ban Dân tộc trong năm 2018 đã để lại những hình ảnh ấn tượng về công tác dân tộc của Việt Nam, góp phần xây dựng lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Cùng với việc nghiên cứu, tiếp thu các bài học kinh nghiệm công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc của Việt Nam cũng đã thành công bước đầu trong nỗ lực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tiếp thu được những bài học và sáng kiến trong phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi.
Điểm sáng quan trọng, đánh dấu vị thế mới của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc là các sự kiện Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ tiếp các đoàn khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, trong năm vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ đi dự Hội nghị G7 và thăm chính thức Canada. Tại Hội nghị, các chủ đề về: hợp tác đầu tư tăng trưởng bao trùm; tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; ứng phó với biến đổi khí hậu… được khẳng định ở cấp độ cao hơn, thực chất hơn. Đây là những chủ đề tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi.
Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra cho biết, tại Việt Nam, trong vài thập niên qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn và vùng DTTS nhưng vẫn còn một phần lớn dân số Việt Nam là các hộ nghèo và thu nhập thấp. Vì vậy phát triển bao trùm và bền vững là một ưu tiên quan trọng, cần thiết đối với Việt Nam cũng như bất kỳ nền kinh tế nào.
Thực tế, đời sống đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, của các địa phương, là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã tăng cường hợp tác, thu hút các nguồn lực, vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, tập thể, cá nhân ở nước ngoài, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho vùng DTTS, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.
Giai đoạn 2014-2018, hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác dân tộc đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS, miền núi. Trong đó, có Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, JICA, CARE, Tổ chức Helvetas, Thụy Sỹ, Caritas, Quỹ We Effect Thụy Điển, Plan Canada... Nhờ các tổ chức này, Việt Nam đã có thêm điều kiện để tập trung cải thiện các lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, đào tạo bồi dưỡng cán bộ người DTTS, nông nghiệp, môi trường...
Riêng năm 2018, từ nguồn lực trong nước, kết hợp với các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tổng hợp nhu cầu đầu tư, viện trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào vùng DTTS; nhu cầu của các tỉnh, thành phố cần đầu tư, hỗ trợ vào vùng DTTS. Tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.
Có thể khẳng định, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc đã góp phần vào những thành tựu ngoại giao chung của đất nước. Đây là những bước tiến quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự chủ động, tích cực hợp tác với thế giới trong lĩnh vực công tác dân tộc của Việt Nam.
THANH HUYỀN