Hiện nay, đến trung tâm các tỉnh, huyện thậm chí các thị tứ ở các vùng DTTS và miền núi, chúng ta cũng cảm nhận được tốc độ của đô thị hóa. Nhiều khu dân cư, khu đô thị mới mọc lên như nấm.
Việc đô thị hóa kéo theo nhiều thách thức với vùng DTTS và miền núi. Đó là tình trạng thu hẹp đất nông nghiệp, lâm nghiệp, không gian sống của người dân. Đặc biệt là sinh kế của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người DTTS vốn sống khép kín, sinh kế truyền thống phụ thuộc vào thiên nhiên, vì vậy với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, họ rất khó khăn trong việc chuyển đổi sinh kế.
Tuy nhiên, như đã nói từ đầu, đô thị hóa là một tất yếu. Vì vậy, nhận diện những khó khăn thách thức không phải để bi quan, “bàn lùi” mà chúng ta cần có hành động phù hợp. Ví dụ như, người dân nên thay đổi tư duy sản xuất. Khi không gian sống, nghề nghiệp cũ bị phá vỡ, bản thân họ cần thích nghi và chủ động hơn trong việc tìm kiếm các sinh kế mới. Người dân hoàn toàn có thể chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ để đảm bảo cuộc sống và nâng cao thu nhập trong nhịp sống đô thị.
Đối với các nhà nghiên cứu, chuyên gia cần “mở đường” tìm hiểu và khuyến cáo sớm, chính xác các nghề nghiệp, công việc phù hợp với người DTTS từng vùng khác nhau. Qua đó tham mưu cho chính quyền sở tại.
Về phía chính quyền, trên cơ sở nghiên cứu của giới chuyên môn, tâm tư nguyện vọng và khả năng của người dân để có một “chiến lược” hợp lý. Nhà nước cần đóng vai trò là bệ đỡ, khâu nối người dân trong quá trình chuyển sang đô thị hóa. Đó là các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với từng địa phương. Bên cạnh đó, cần chú ý các yếu tố đặc thù như: văn hóa, thói quen, tập quán sản xuất để xây dựng thiết chế “đô thị” vừa hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc vùng DTTS và miền núi.
KẺ SĨ