Vươn lên trong gian khó
Xã Măng Ri có gần 100% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã hăng hái tham gia cách mạng. Đồng bào ở Măng Ri đã góp công, góp sức nuôi giấu cán bộ, xây dựng căn cứ cách mạng, sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Kon Tum chiến đấu đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Sau ngày đất nước thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Măng Ri đã chung sức, đồng lòng hàn gắn “vết thương” chiến tranh, tích cực phát triển kinh tế. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Măng Ri đã được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, người dân được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế để vươn lên.
Già làng A Jon, làng Pu Tá, xã Măng Ri chia sẻ: Xã nay thay đổi nhiều lắm. Thứ nhất là có điện, đường, trường, trạm; thứ hai là con cháu đi học dễ dàng; thứ ba là bà con trồng lúa, trồng mì, cà phê, bời lời tiêu thụ rất dễ, xe vào tận xã thu mua. Từ đó, cuộc sống bà con từng bước đi lên, bắt đầu từ năm 2018 trở lại đây còn ít nhà tạm bợ do bà con có tiền nên xây nhà khang trang hơn.
Từ năm 2021 đến nay, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Đây là nguồn lực quan trọng để xã Măng Ri tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống điện, đường, trường, trạm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Ông A Klới, thôn Chung Tam, xã Măng Ri, phấn khởi nói: “Từ ngày Nhà nước đầu tư kênh mương thủy lợi, hướng dẫn kỹ thuật thì bà con trồng cây lúa nước rất tốt. Năng suất cao, lúa ăn không thiếu, bà con còn bán để thêm thu nhập”.
Hạ tầng được đầu tư đã tạo điều kiện để xã Măng Ri tập trung phát triển các loại cây trồng thế mạnh. Được tiếp sức từ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đến nay toàn xã Măng Ri đã trồng được 158ha bời lời, 265ha cà phê, 149ha lúa nước.
Thủ phủ sâm Ngọc Linh
Để “khơi thông” con đường sản xuất hàng hóa cho bà con xã Măng Ri, tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông đã quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối Măng Ri với các địa phương khác. Trong đó nổi bật là tuyến tỉnh lộ 672 dài hơn 18 km đoạn nối từ quốc lộ 40B đến địa bàn xã; tuyến Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh,...
Hệ thống đường bê tông liên thôn cũng được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của bà con trong xã đến với thị trường bên ngoài. Từ khi kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã mang lại màu sắc mới cho xã Măng Ri.
Hạ tầng kinh tế được đầu tư đồng bộ đã giúp Măng Ri khai thác tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng – đó là phát triển các loại cây dược liệu, trong đó chủ lực là cây sâm Ngọc Linh. Hiện, Măng Ri có gần 40ha hồng đẳng sâm, gần 27ha sâm Ngọc Linh. Toàn xã hiện có gần 300 hộ tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh với các doanh nghiệp, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá ở Măng Ri.
Ông A Đang, thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri chia sẻ: “Tôi tham gia trồng sâm Ngọc Linh theo nhóm hộ. Nhờ trồng sâm Ngọc Linh mà chúng tôi đã thoát nghèo”.
Theo ông Nguyễn Cửu Thắng, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và kết quả của cây dược liệu mang lại, xã Măng Ri đã xác định phát triển cây dược liệu là cây trồng đột phá để phát triển kinh tế - xã hội và tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để người dân thực hiện. Việc hỗ trợ người dân phát triển trồng dược liệu cũng là nội dung trọng tâm của địa phương để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Măng Ri hôm nay đã thực sự đổi thay. Cái khó, cái nghèo đang dần lùi xa, mảnh đất này đang dần được thay thế bằng cuộc sống mới no đủ hơn. Hy vọng những thành quả này tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc phát huy để xây dựng Măng Ri ngày càng đổi mới, xứng đáng với mảnh đất của vùng căn cứ cách mạng.