Theo lãnh đạo huyện Nam Trà My, sâm Ngọc Linh hiện được người dân trồng trên địa bàn 7 xã của huyện; riêng 3 xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang có điều kiện phát triển sâm tốt nhất. Kinh nghiệm trồng sâm dưới chân núi Ngọc Linh hàng chục năm qua của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Trà My có thể xem là kho tàng, vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế từ sâm.
Tuy nhiên vài năm lại đây, khí hậu biến đổi khó lường, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như sương muối, mưa đá… cùng với tình trạng trộm cắp sâm, chuột cắn phá ngày một nhiều đã gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng sâm. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, giữ gìn kiến thức, kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh là hết sức cần thiết.
Lãnh đạo huyện Nam Trà My cho biết, địa phương rất đồng tình, sẵn sàng phối hợp để sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị đưa “Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là việc làm rất ý nghĩa, vừa có thể bảo tồn kinh nghiệm trồng sâm của đồng bào các dân tộc thiểu số sống trên dãy Ngọc Linh, vừa giúp người dân trồng sâm cũng như người quan tâm đến sâm Ngọc Linh trên cả nước có cái nhìn mới về cây sâm quý.
Tại buổi làm việc, hai bên đã ký văn bản cam kết thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; trong đó cam kết hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân liên quan có thể phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này theo quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo về việc xây dựng hồ sơ di sản “Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My” đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên cơ sở đó, ngày 5/2/2024, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 175 về việc thống nhất chủ trương xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với “Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My”.