Vùng lũ hồi sinhNhững ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng tôi trở lại vùng tâm bão ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, cảm nhận sự hồi sinh diệu kỳ của đất và người nơi đây. Mặc dù phải gánh chịu những tổn thất nặng nề, nhưng với kinh nghiệm “sống chung với lũ”, cùng với ý chí và nghị lực của người dân đã từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống để chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm.
Tại thôn Ngọc Sơn, xã Ninh An nằm bên cạnh tuyến Quốc lộ 1, sau hơn hai tháng bão lũ đi qua, cuộc sống của người dân đã dần đi vào ổn định. Bà con đang tất bật xây dựng lại nhà cửa, vừa sửa sang chuồng trại để tiếp tục nuôi gà. Ông Đỗ Thanh Hải, Chủ tịch HTX nuôi gà chọi thương phẩm Ninh An chia sẻ “Chúng tôi ở gần nhau, cùng nhau lập nghiệp. Bão lũ làm nhà ai cũng bị tốc mái, đàn gà thiệt hại tới 90% có xã viên còn thiệt hại gần 4 tỷ đồng. Giờ đây chúng tôi lại giúp nhau dựng lại nhà cửa, khôi phục đàn gà”.
Tại vùng “rốn lũ” huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, hôm nay trên những cánh đồng từng bị ngập lũ nặng nề đã xuất hiện màu xanh của sắn, đậu và các loại rau màu, bên cạnh đó là những ngôi nhà mới kiên cố, khang trang đang được người dân hoàn thành như biểu tượng của sự vươn lên trong sự nghiệt ngã của thiên tai.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, của đồng bào cả nước và của tỉnh, đến nay, huyện Đồng Xuân đã giúp người dân xây dựng lại hàng chục ngôi nhà bị sập do bão lũ. Anh Đinh Văn Xuân, ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân cho biết: “Đợt lũ vừa rồi, nhà mình bị sập hoàn toàn nên được các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội hỗ trợ cho một số tiền để xây lại nhà. Giờ nhà đã xây gần xong, cả nhà mình rất vui, vì chắc chắn nhà mới sẽ hoàn thành kịp để gia đình có nơi đón Tết”.
Về tỉnh Bình Định, đi khắp các vùng “rốn lũ” Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát... nơi hứng chịu 5 trận lũ dồn dập cuối năm 2017 với hàng trăm ngôi nhà sập và hư hỏng nặng. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các hộ, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, những hộ dân bị nhà sập, hư hỏng không phải đón cái Tết trong lều tạm bợ.
Gần 1 tháng tích cực xây dựng, căn nhà mới của ông Trần Văn Hiền ở thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc (Tuy Phước) sắp hoàn thiện để gia đình đón Tết. Ông Hiền chia sẻ: “Khó thì cũng khó rồi, nhưng biết tin tỉnh hỗ trợ cho gia đình có nhà sập 50 triệu, vợ chồng tôi quyết định vay mượn thêm xây một lần cho chắc chắn, lũ sau đỡ lo”.
Những ngày này, vùng lũ xã Phước Hòa (Tuy Phước) cũng trở nên “sáng” hơn trong cái nắng hanh vàng.Bên những đống đổ nát của những mái nhà bị sập sau mưa lũ là những ngôi nhà mới xây còn nguyên mùi vôi mới.
Theo bà Võ Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, hiện nay, đời sống của người dân địa phương đã cơ bản hồi phục. Trong quá trình dựng lại nhà, xã cũng tạo điều kiện cho người dân bằng cách đứng ra bảo lãnh để các đại lý bán vật liệu xây dựng cho người dân mua nợ.
“Chủ trương của xã là tuyệt đối không để hộ dân nào phải chịu cảnh thiếu thốn trong những ngày Tết”, bà Thắm nhấn mạnh.
Mầm xanh phủ trên đất phù saSau những ngày dài mưa gió, người người đổ ra đồng chăm sóc lúa vụ Đông Xuân, lên lại từng luống đất, sửa sang giàn khổ qua, dưa leo đã bị thối gốc phân nửa do nước lũ. Lặng lẽ và cần mẫn. Giờ đây, ở vùng lũ này màu xanh của lúa và các loại rau màu đã trải dài trên những cánh đồng, mảnh vườn, với hy vọng một vụ mùa thắng lợi.
Nằm ở ngoại ô TP Quy Nhơn (Bình Định), một số khu vực của phường Nhơn Bình và Nhơn Phú nằm trong vùng trũng, nên cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề do lũ. 5 đợt lũ trước đó đã nhấn chìm toàn bộ giống má, rau màu của bà con, cuốn theo luôn cả mùa vụ đợi chờ nhất trong năm-mùa rau Tết. Dấu vết của đợt lũ vẫn còn sót lại qua mớ rác, những dây dưa leo, khổ qua tả tơi ven đường; phù sa quánh đặc lối đi. Nhưng dưới cánh đồng, từng luống đất đã phủ mầm xanh của đậu cô-ve, rau cải ngọt, rau muống, dưa leo.
Bà Thân Thị Mỹ ở khu vực 6, phường Nhơn Phú cho hay: “Năm nào người dân cũng bị thiệt hại nhưng bù lại, sau lũ giá rau tăng nên chúng tôi khẩn trương làm lại để kịp bán Tết”.
Không khí tất bật cho vụ mùa đang về ở những làng lúa, làng rau Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa), Bình Dương (huyện Bình Sơn), Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Ông Đào Hữu Biểu, thôn An Đạo, xã Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi cho biết: “Vợ chồng tôi đã tỉa hơn 3 sào rau để bán Tết. Năm nay nhuận, lại mưa lụt kéo dài, nên vụ rau cũng trồng sát ngày với vụ lúa. Một công đôi việc, nên ai nấy cũng hối hả lo làm”.
Vụ hoa Tết năm nay, chị Nguyễn Thị Thiểu, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) trồng 500 chậu hoa cúc pha lê trong vườn. “Nhờ kịp thời di dời các chậu cúc lên vùng cao tránh lũ nên cây hoa khỏe mạnh, nụ đều, kịp đáp ứng thị trường dịp Tết. Mỗi chậu hoa cúc bán tại vườn có giá bình quân 100 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí, nhân công, gia đình tôi thu lãi vài chục triệu đồng”, chị Thiểu bộc bạch.
Đi qua những ngày lũ, niềm hy vọng lại được nhen nhóm trên những cánh đồng, những ruộng lúa, ruộng rau đã bắt đầu xanh mướt, cho người dân vùng lũ đón một năm mới an lành.
PHƯƠNG LÊ