Nhiều dự báo thiếu chính xác
Trong năm 2018, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo thống kê, mưa lũ đã làm chết và mất tích 17 người, hơn 20 người bị thương, thiệt hại về tài sản hoa màu của Nhà nước và nhân dân trên 600 tỷ đồng.
Huyện Văn Chấn là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ này. Ông Chu Đình Ngữ, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: Để xảy ra tình trạng này, không thể không nói đến sự yếu kém trong công tác dự báo. Những nơi cơ quan chuyên môn xác định nguy cơ cao thì lại không xảy ra. Còn những nơi chưa kịp phòng bị, thì thiên tai ập tới bất ngờ khiến chính quyền và người dân không kịp trở tay.
Trong đợt mưa lũ này, huyện Văn Chấn có điểm trường Vàng Ngần, thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Suối Quyền, bị xóa sổ. Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Phụ trách điểm trường cho biết: “Trước đó, cơ quan chức năng đi khảo sát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất thì không có điểm trường Vàng Ngần. Theo cơ quan chuyên môn, điểm trường này hoàn toàn an toàn vì địa hình khá bằng phẳng, đằng sau là đồi thấp. Vậy mà khi mưa lũ xảy ra thì hàng trăm tảng đá to bằng nửa gian nhà lăn ầm ầm từ trên đỉnh núi xuống cuốn bay những gì mà nó đi qua”, thầy Sơn kể lại.
Thiên tai, mưa lũ không chỉ xảy ra ở những địa điểm không ngờ đến mà còn xảy ra ở những thời điểm tưởng chừng như không còn mưa lũ. Trận mưa lũ vào 22/10 vừa qua trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là ví dụ điển hình. Lũ ống bất thường đã gây thiệt hại 547 hộ dân; trong đó có 13 hộ mất 100% tài sản, nhà cửa... thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
Chị Nguyên Thị Thái, ở bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô cho biết: Tôi sinh sống ở đây đã hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ lũ lại cao như vậy. “Trận lũ bất thường này chúng tôi không thể ngờ được, vì vào thời điểm cuối tháng 9 âm lịch rất ít khi có mưa to chứ chưa nói đến lũ. Hơn nữa, khu vực thiệt hại nhiều nhất thì lại đúng vào nơi chưa bị lũ như vậy bao giờ. Trước đó, cơ quan chức năng chỉ dự báo có mưa nhưng không cảnh báo được khả năng thiên tai có thể xảy ra”.
Cần đầu tư thiết bị cảnh báo thiên tai
Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết: Rõ ràng, mưa lũ trong thời gian vừa qua có những diễn biến hết sức bất thường và không còn theo quy luật. Ví dụ như trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có đợt mưa kéo dài hàng tháng trời, với lượng mưa rất lớn (từ ngày 26/6 đến ngày 23/7) khiến cho lũ trên các sông dâng cao. Nguyên nhân chính là, do biến đổi khí hậu toàn cầu và chịu ảnh hưởng hoàn lưu chung của khí quyển.
“Tuy nhiên, việc ảnh hưởng này lại diễn ra trên diện hẹp tức là chỉ một vài tỉnh hoặc ở một vài điểm. Ví dụ như trận lũ ống tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên vừa qua nguyên nhân là ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường cộng với vùng hội tụ gió trên cao tạo nên tổ hợp thời tiết xấu. Qua theo dõi thì đây cũng là trận lũ bất thường vì vào thời điểm này rất ít xảy ra mưa lớn và lũ trên các sông suối. Trước đó chúng tôi cũng đã dự báo có mưa nhưng không dự báo được lại có mưa lũ lớn đến như vậy”, ông Hải phân tích.
Cũng theo ông Hải, trước những diễn biến bất thường của thời tiết đòi hỏi công tác dự báo phải chính xác và kịp thời, có như vậy mới giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Để làm được điều này cần phải tăng cường thêm các trạm quan trắc khí tượng, các điểm đo mưa.
“Ví dụ như ở Lào Cai hiện nay, mới chỉ có 4 trạm quan trắc lắp đặt ở 4 trên 9 huyện thị. Như vậy, ảnh hưởng rất nhiều tới việc cập nhật tình hình thời tiết để có những dự báo chính xác nhất. Tối thiểu mỗi huyện phải có một trạm quan trắc và các điểm đo mưa tự động thì mới cơ bản đáp ứng nhu cầu. Có như vậy mới tạo được niềm tin từ cộng đồng về công tác dự báo thời tiết”, ông Hải nhấn mạnh.
TRỌNG BẢO