Cụ thể, khu vực Tây Nam Bộ có 183 ca F0 là người DTTS, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ. Khu vực miền Trung Tây Nguyên ghi nhận 329 ca F0 người DTTS, chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông… Khu vực Đông Nam Bộ có 550 ca F0 người DTTS, tập các tỉnh Bình Dương, Ninh Thuận, Đồng Nai…
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, trong đó có vùng đồng bào DTTS, các cơ quan công tác dân tộc trên địa bàn tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, tùy tình hình cụ thể ở các địa phương, cơ quan công tác dân tộc tham mưu thực hiện những cách làm linh hoạt, sáng tạo để thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Tại khu vực Tây Nam Bộ, các cơ quan công tác dân tộc tích cực phối hợp với chính quyền, Người có uy tín, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh hướng dẫn trụ trì, Ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer dừng tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với quy mô tập trung đông người. Các đơn vị cũng tăng cường tuyên truyền vận động sư sãi và đồng bào Khmer có người thân đang sinh sống, lao động, học tập tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng dịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch cho bản thân và tạm thời không tự trở về địa phương.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, do nguồn lây chủ yếu từ công dân ở vùng có dịch trở về địa phương nên các địa phương đang siết chặt quản lý nhóm đối tượng này. Đồng thời, các tỉnh trong khu vực tiếp tục áp dụng các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 kết hợp triển khai đẩy nhanh kế hoạch tiêm vắc xin theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Y tế./.