Lễ Xên lẩu nó kéo dài gần 3 ngày 3 đêm và được tổ chức trong ngôi nhà sàn của ông Một. Trung tâm của Lễ hội là cây xăng bók cao gần 3m, được kết từ các loại cây trồng xung quanh nhà như cây mía, cây móc, cây chuối đã trổ buồng, hoa ban, hoa píp…
Lễ vật dâng cúng mời thần linh có: đầu, đuôi, lòng, tim gan của con lợn, mỗi thứ một ít được xếp thành hình con lợn. Ngoài ra trên mâm lễ còn bày 3 bát gạo, 4 quả trứng gà, 7 chén rượu, trầu cau… Sau khi bày xong mâm cúng, ông Một cầm bao kiếm đặt vào mâm, ngồi xuống lạy 3 lần rồi khấn mời các tạo bản, quan to trên mường Trời, các thầy cúng, thầy mo cùng xuống ăn mừng lẩu nó…
Bên cạnh đó, nhiều phần cúng khác cũng được thực hiện trong 3 ngày lễ hội như: Lễ cúng tổ tiên, mè bảu cúng bà tạo hóa thành con người, cúng tiễn đưa các thần linh về… phần quan trọng nhất của lễ hội là lễ cúng các con nuôi. Các “con nuôi” sau khi mang lễ vật đến nhà ông Một, chia nhau ra mỗi gia đình một chỗ, tự mổ gà, vo gạo đồ xôi để chuẩn bị cho mâm lễ dâng lên cảm tạ ông Một đã chữa khỏi bệnh.
Cúng xong cho các con nuôi, ông Một nghe các con nuôi trình bày tâm tư, kể bệnh. Ông căn dặn cách làm, đưa ra một số lời khuyên về phòng bệnh tật và cách xử lý rồi lấy vòng tay, vòng cổ của các con nuôi làm phép, đọc thần chú sau đó đeo vào cổ, vào tay mọi người.
Phần lễ và phần hội của Xên lẩu nó có sự đan xen với nhau. Sau khi hoàn thành mỗi một phần lễ, mọi người lại cùng nhau nhảy múa xung quanh cây xăng bók.
Dưới đây là hình ảnh tái hiện Lễ Xên lẩu nó tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Các “con nuôi” biểu diễn điệu múa khăn.
Chuẩn bị mâm lễ để dâng cúng các thần linh...
Ông Một và các “con nuôi” cùng uống rượu
Ông Một và các “con nuôi” nhảy múa quanh cây xăng bók.NGỌC ÁNH ( Thực hiện )