Dấu ấn thời mỏ cõi
Trong tín ngưỡng của người dân Châu Đốc nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung, Bà Chúa Xứ núi Sam nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác.
Theo truyền thuyết, từ xa xưa, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Thời gian đó, giặc ngoại xâm thường xuyên quấy nhiễu nước ta. Có lần, chúng lên đỉnh núi Sam, gặp pho tượng cổ này, dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển được.
Dân làng thấy vậy, có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, nhưng không sao nhấc pho tượng lên được. Khi các bô lão trong làng cầu khấn thì được mách “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi”. Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng Bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng, Bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ.
Ban đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu mới được hoàn chỉnh và khang trang như hiện nay.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là công trình kiến trúc dạng chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, khung cửa bằng gỗ quý, được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.
Bên trong có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng làm việc của Ban Quý tế, bên ngoài là khuôn viên sân rộng rãi, hàng rào bao quanh và cổng tam quan. Ngay giữa chánh điện, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam đội mão, mặc áo bào thêu long phụng, ngồi uy nghi với nét mặt hiền hòa, phúc hậu. Tượng Bà cao khoảng 1,65 m. Theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret, tượng Bà thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi quý phái, vương giả. Chất liệu tượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, có thể được tạc vào cuối thế kỷ VI sau Công nguyên.
Lễ hội tín ngưỡng tâm linh vùng Tây Nam Bộ
Ông Nguyễn Phúc Hoan - Trưởng Ban Quản trị lăng miếu núi Sam cho biết: “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội có thời gian kéo dài nhất, nhì cả nước (từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng 4 Âm lịch hằng năm). Hằng năm, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được thực hiện theo nghi thức truyền thống, với lễ Phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc. Trong đó, lễ Túc yết và lễ Xây chầu được tiến hành trong đêm 25 rạng sáng 26/4 (Âm lịch) là lễ chính”.
Vào dịp diễn ra Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, mỗi ngày, Khu du lịch quốc gia núi Sam đón hàng ngàn du khách đến dâng lễ ở miếu Bà và tham quan, chiêm bái cảnh đẹp vùng núi Sam. Anh Bùi Quang Trí (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Hầu như năm nào gia đình tôi cũng đến viếng Vía Bà Chúa Xứ núi Sam để cầu mong một năm bình an, mua may bán đắt. Mỗi lần thắp nén hương dâng lên Bà Chúa Xứ, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng và có đức tin công việc trong năm luôn gặp thuận lợi”.
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Châu Đốc cho biết, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm nay có chủ đề “Đất thiêng vạn lộc” chính thức diễn ra từ ngày 6 - 14/6/2023 (nhằm ngày 19 - 27/4 Âm lịch). Sau lễ khai mạc, Tp. Châu Đốc tổ chức chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc, dàn dựng công phu theo hướng sân khấu hóa và 3 đêm văn nghệ (từ ngày 8 - 10/6, nhằm ngày 21 - 23/4 Âm lịch) phục vụ người dân và du khách.
Thông qua các hoạt động Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Tp. Châu Đốc nói riêng, tỉnh An Giang nói chung mong muốn quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, con người Châu Đốc và An Giang... Qua đó, thu hút đầu tư, khách tham quan đến với vùng An Giang thân thiện và mến khách.
Ngày 19/12/2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn, hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản số 1878/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xem xét đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.