Tại Thái Nguyên, người Tày sinh sống tập trung nhiều nhất ở huyện Định Hóa, với hơn 46.000 người (chiếm 37% toàn tỉnh). Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo, lâu đời của người Tày ở địa phương. Đây là dịp để tìm ra một thầy cúng am hiểu phong tục, tập quán dân tộc, có uy tín rất lớn để mọi người gửi gắm sự tin tưởng, bởi hầu hết các hoạt động trong cộng đồng, dòng họ, gia đình của người Tày đều nhờ cậy đến thầy cúng.
Để được làm nghề thầy cúng, bản thân ngoài việc phải có gia đình, dòng họ nhiều đời làm nghề thầy cúng, còn phải là người thực sự có năng lực, kiến thức sâu rộng, uy tín trong cộng đồng. Thầy cúng phải biết đọc sách cổ, biết xem hướng, ngày đẹp, vận mệnh, tướng số. Ngoài ra, thầy cúng còn phải tuân thủ những quy định chặt chẽ, trong đó nhân cách đạo đức được coi trọng hàng đầu.
Lễ cấp sắc được người dân coi là nghi lễ khá nghiêm ngặt, có nhiều tiêu chí. Là ngày trọng đại và vui chung không chỉ của gia đình, dòng họ mà của cả cộng đồng làng xã, nên việc chuẩn bị lễ cấp sắc được chuẩn bị trước đó cả tháng (chuẩn bị lương thực, thực phẩm; tìm thầy, chọn ngày lành, tháng tốt...).
Đặc biệt, một yêu cầu rất quan trọng trong thực hành nghi lễ cấp sắc, là phải mời được thầy có chức sắc cao hơn chức sắc hiện tại của mình để cấp cho mình. Theo lời các bậc cao niên, hầu như việc trao truyền chỉ thực hiện trong dòng họ.
Tháng 6/2024 vừa qua, ông Ma Đình Sung, xóm Đá Bay, xã Bình Yên đã được chọn để làm thủ tục cấp sắc. Cả tháng trước đó, công tác chuẩn bị cho Lễ cấp sắc đã được hoàn thiện, chu đáo. Ông Sung cho biết: “Thầy chọn được ngày tốt hợp với tuổi của tôi để làm nghi lễ cấp sắc. Từ sau Lễ cấp sắc này, tôi có đủ năng lực giúp gia đình, dòng họ cúng cầu may mắn. Thấy tự hào và cũng thấy mình phải có trách nhiệm hơn từ đây”.
Trong Lễ cấp sắc, nghi lễ dâng rượu đến Ngọc Hoàng được thực hiện đầu tiên, sau đó đến các bậc thánh thần, tổ tiên, dòng họ; khai quang và xin quẻ âm dương… Lễ vật chuẩn bị cho Lễ cấp sắc gồm rượu, vàng hương, hoa quả, xôi, đồ mặn. Ngay từ hôm trước anh em họ mạc đã đến góp gạo, gà, rượu, thịt... đến ăn mừng.
Khi trên nhà đang diễn ra các nghi thức lễ, thì dưới sàn nhà bộ phận đầu bếp tất bật công việc bếp núc, chuẩn bị các thức món dâng kính tổ tiên và làm cơm đãi thực khách.
Sau khi các thủ tục của Lễ cấp sắc hoàn thành, thầy cúng cao tay chủ trì buổi lễ đội mũ, mặc áo cho người vừa được cấp sắc. Sau cùng là lễ tạ ơn, báo cáo Ngọc Hoàng, thánh thần, tổ tiên, dòng họ về việc cấp sắc thành công viên mãn.
Kể từ đây, người được cấp sắc trở thành một thầy cúng thực thụ, được phép thực hành các nghi lễ cúng đám ma, đám cưới, mừng thọ, giải hạn, vào nhà mới, cúng trẻ đầy tháng…
Hiện, Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Tày đã có nhiều thay đổi, những nghi lễ được giản ước, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Thầy cúng Lường Phúc Kiệm, thực hiện làm thủ tục cấp sắc cho ông Ma Đình Sung chia sẻ: “Trước đây, Lễ cấp sắc còn rườm rà thủ tục hơn rất nhiều, kéo dài 3, 4 ngày ấy chứ. Nhưng bây giờ, nhiều thủ tục đã được giản lược nên thời gian cũng giảm chỉ trong 1 ngày rưỡi. Cũng đỡ tốn kém hơn rất nhiều!”.
Quy trình thực hành Lễ cấp sắc đã thể hiện rõ những giá trị văn hóa, bản sắc độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Tày; đồng thời cho thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong gia đình, dòng họ.
Trước sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố trong thời kỳ hội nhập, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp phù hợp. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên mong muốn: “Việc giữ gìn, trao truyền, phát huy giá trị Lễ cấp sắc của dân tộc Tày là cần thiết, mong các cấp, ngành quan tâm, có biện pháp bảo vệ phù hợp”.