Nhiều mục tiêu quan trọng
Lào Cai hiện có lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là hơn 460.000 người, chiếm gần 62% số dân toàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có 8.000 - 10.000 người bước vào độ tuổi lao động.
Kết quả giai đoạn 2021 - 2022, tỉnh Lào Cai đã giải quyết việc làm cho 28.000 lao động, trong đó có 8.000 lao động từ vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm, 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,8%.
Toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ cấu ngành nghề đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi ra trường đạt trên 80%. Dự báo dân số lao động đến năm 2025 khoảng 812 nghìn người (trong đó lực lượng lao động độ tuổi từ 15 tuổi trở lên dự báo sẽ có gần 500 nghìn người) và sẽ có khoảng 5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh (tăng 2 nghìn doanh nghiệp so với năm 2021). Đây là những cơ sở để phục vụ chuyển dịch lao động, tạo điều kiện cho lao động trong tỉnh Lào Cai tìm kiếm việc làm.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, Lào Cai đặt mục tiêu sẽ xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai trở thành trường chất lượng cao trong khu vực phía Bắc, đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 35.000 lao động. Phấn đấu dịch chuyển 30.000 lao động từ nông, lâm nghiệp, thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, chính sách được hỗ trợ đào tạo nghề. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ nhằm quản lý tốt thị trường cung, cầu lao động.
Theo bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, địa phương luôn quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong thời gian tới Lào Cai sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chất lượng giáo dục nghề nghiệp, việc làm, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả nhờ đào tạo nghề
Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai thông tin, thời gian qua địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Việc đào tạo được thực hiện linh hoạt, bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của bà con.
Sau học nghề, người lao động vùng cao có thể chủ động thành lập các tổ, đội, sản xuất kinh tế. Kết quả giai đoạn 2012- 2022, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 158.700 người, trong đó có 93.041 lao động nông thôn được đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng) và có khoảng 21.258 người được đào tạo nghề dài hạn (6 tháng trở lên). Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động, huyện Bảo Thắng là một trong những địa bàn có nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lanh (trú tại thôn Quang Lập, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng) là điển hình nuôi bò sinh sản theo quy mô trang trại. Trước đây, gia đình bà cũng nuôi bò, lợn và gia cầm, nhưng quy mô nhỏ. Nhờ tiếp thu được nhiều kiến thức thông qua các lớp đào tạo kỹ năng nghề, từ năm 2019, gia đình bà Lanh đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ và mua bò sinh sản về nuôi. Trung bình mỗi con bò sinh sản 1 lứa/năm, sau 6 đến 7 tháng, bê con có thể xuất bán đạt 12 đến 15 triệu đồng/con.
Ngoài ra, gia đình còn trồng 8 sào cỏ VA06, 4 mẫu ngô và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô, cây chuối làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Gia đình cũng chú trọng tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và vệ sinh chuồng trại thường xuyên để phòng, chống bệnh cho gia súc.
Hay có thể kể tới mô hình trồng bưởi của gia đình chị Nguyễn Thị Lan (trú tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng). Hiện tại, gia đình chị trồng gần 200 gốc bưởi, nhiều nhất vẫn là giống bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng. Đối với từng giống bưởi chị đều phải lặn lội đi từng vùng để mua được giống bưởi gốc mang về trồng, nhằm có được chất lượng tốt.
Chia sẻ về bí quyết trồng bưởi Diễn, chị Lan nói: “Để trồng bưởi Diễn ngon, trước hết người trồng phải chọn mua được loại cây giống chất lượng, được chiết từ cành trung tán, tuyệt đối không lấy cành ngọn tán. Hằng năm, sau khi thu hoạch quả phải chăm bón cho cây bằng các loại phân bón lót, tưới nước giữ ẩm và cắt, tỉa cành cho cây, sau đó quét vôi từ trên xuống dưới gốc để cho bọ đỡ bám vào thân cây và cành lúc ra quả thì phun đậu hoa, đậu quả. Từ lúc này đến khi thu hoạch thì phải thường xuyên kiểm tra cây, quả để sớm phát hiện ra sâu bệnh và xử lý, đồng thời bổ sung thêm phân bón cho những cây yếu”.
Để có được mô hình trồng bưởi hiệu quả như hiện tại, nhiều năm qua chị Lan đã phải học hỏi, tích lũy kiến thức về khoa học kỹ thuật nông nghiệp nhằm ứng dụng vào thực tế. Nhờ bưởi sai quả, chất lượng ngon và giữ được hương vị gốc mà mỗi kỳ thu hoạch, hoa quả nhà chị Lan luôn cháy hàng, giá bán trung bình 10.000 - 17.000 đồng/quả, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.