Sinh sống ở thôn Làng My đã nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ gia đình bà Nguyễn Thị Ngân lại phải chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường như hiện nay. Hàng ngàn tấn rác thải đổ về từ nhiều nơi, chất thành đống cao, bốc mùi nồng nặc. Điều đáng nói, một bãi thải tập trung với quy mô lớn, nhưng lại được đặt ngay sát khu dân cư, khiến hàng trăm hộ dân phải sống trong môi trường ô nhiễm trong thời gian dài.
“Quá kinh khủng, nhất là những ngày thời tiết nắng xong rồi mưa, thì ruồi muỗi bay về bu đen. Nhiều khi đến bữa cơm dọn ra không thể ăn nổi, vợ chồng con cái phải ngồi trong màn ăn cơm. Không biết tình trạng này đến bao giờ mới chấm dứt”, bà Ngân bức xúc.
Được biết, bãi rác nằm trên địa bàn thôn Làng My được hình thành từ hơn 10 năm trước, nhằm thu gom rác thải sinh hoạt của các xã Xuân Quang, Phong Niên, Phong Hải của huyện Bảo Thắng. Tuy nhiên, do không được thiết kế đúng tiêu chuẩn, bãi rác này không có nền lót đáy chống thấm và chỉ chôn lấp thủ công, đến nay đã quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến không khí, nguồn nước ngầm.
Năm 2016, tỉnh Lào Cai đã triển khai cải tạo và nâng cấp bãi rác Xuân Quang, với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng, trên diện tích 11,6 ha. Thế nhưng, sau nhiều năm vận hành hoạt động, tình trạng ô nhiễm rác thải vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nghiêm trọng hơn nữa, nước thải từ khu xử lý rác đang ngấm dần vào nguồn nước sinh hoạt, đe dọa cuộc sống của người dân.
Hộ anh Lê Văn Thành, trước đây có chiếc ao nhỏ để nuôi cá là nguồn cung cấp thực phẩm cho cả gia đình. Tuy nhiên, theo anh Thành, do nước thải từ bãi rác chảy vào khiến cá chết hết. Gia đình cũng đã nhiều lần thả cá nuôi lại nhưng đều không có kết quả.
“Trước đây, gia đình vẫn dùng nước giếng để sinh hoạt, nhưng từ khi có bãi rác, nước có mùi không thể sử dụng được nữa, thậm chí không giám cho trâu, bò uống. Bây giờ nước giếng chỉ để tưới cây, gia đình tôi phải đi chở nước ở nơi khác về phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Gia đình muốn chuyển đi nơi khác sinh sống, nhưng rao bán nhà mấy năm nay cũng chẳng có ai dám mua”, anh Thành buồn bã nói.
Thống kê cho thấy, thôn Làng My có 198 hộ, thì có khoảng 20 hộ đang bị ảnh hưởng ô nhiễm nặng cần phải di dời. Cùng với đó, có đến hơn 100 hộ bị ảnh hưởng do ô nhiễm nguồn nước, không khí từ bãi rác thải gây ra.
Ông Đặng Văn Long, Trưởng thôn Làng My cho biết: Tại các buổi tiếp xúc cử tri từ xã, huyện đến tỉnh, bà con trong thôn cũng đã nhiều lần có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng đến thời điểm này cũng chưa thấy chuyển biến gì cả. Người dân trong thôn thì, vẫn hằng ngày phải sống trong điều kiện môi trường ô nhiễm và lo lắng đến sức khỏe sau này.
Làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai - đơn vị chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp bãi rác thải thôn Làng My, được biết, nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm, là do việc tính toán, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải chưa bảo đảm về công suất, dẫn đến tình trạng rò rỉ nước thải.
“Công suất của thiết bị so với công suất bể chứa chưa phù hợp. Cụ thể, công suất bơm thì lại lớn hơn công suất tích nước. Do vậy, trong quá trình nước vào, gần như chưa đủ thời gian xử lý, thì đã được tự động bơm ra môi trường, tức là rò rỉ ra môi trường. Chúng tôi cũng đã nắm được thực trạng và đang chỉ đạo khắc phục”, ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai thông tin.
Trả lời từ cơ quan chức năng thì như vậy, nhưng thời hạn nhất định khắc phục thì chưa rõ ràng. Trong khi thực tế, hàng trăm hộ dân thôn Làng My vẫn đang hàng ngày phải sống trong ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà con.
Thiết nghĩ, để xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn được triệt để, khoa học, ngoài việc quy hoạch thiết kế, xây dựng các bãi tập kết rác, thì các cấp chính quyền, ngành chức năng cần kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải công nghệ cao quy mô liên vùng;
Bên cạnh đó, cần quan tâm, xây dựng các mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn theo hướng, phân loại rác hữu cơ để ủ chế phẩm vi sinh làm phân bón; đối với rác vô cơ có thể tái chế và không thể tái chế thì chuyển cho đơn vị thu gom rác xử lý…