Nông dân lỗ nặng
Gia đình chị Lương Thị Ánh Hồng, ở thôn Na Mạ 2, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương vụ dứa năm nay trồng 6 vạn gốc. Thời điểm này, diện tích dứa của gia đình chị đang vào thời kỳ chín rộ. Tuy nhiên, mỗi ngày hai vợ chồng chị cũng chỉ vặt khoảng vài chục cân mang bán lẻ ven đường, còn đâu đành để dứa chín thối trên nương.
“Năm nay dứa được mùa, cứ 1 vạn gốc thì cho khoảng 6 tấn dứa quả, tính ra 6 vạn gốc cũng khoảng hơn 30 tấn. Tuy nhiên, giá dứa thấp quá, cũng không thấy thương lái thu mua. Các hộ trồng dứa trong thôn chỉ còn cách chọn những quả đẹp hái về bày bán dọc đường. Nhà nào bán tốt lắm mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 2 trăm nghìn, còn bình quân cũng chỉ vài chục nghìn”, chị Hồng cho biết.
Hộ gia đình bà Trương Thị Thơ, là một trong những hộ trồng nhiều dứa nhất thôn Na Mạ 2. Năm nay, gia đình bà trồng 10 vạn gốc dứa, ước tính cho thu hoạch khoảng hơn 50 tấn dứa quả. Những ngày này dứa đang chín rộ nhưng lượng dứa bán được chỉ tính bằng cân nên bà Thơ như ngồi trên đống lửa.
Bình quân cứ mỗi 1 vạn gốc dứa thì đầu tư giống phân bón mất khoảng gần 20 triệu đồng; vụ này gia đình bà đầu tư cũng đến hàng trăm triệu đồng (chủ yếu mua ứng trước đến vụ thu hoạch thì thanh toán). “Từ đầu vụ thu hoạch đến giờ mới bán được 23 triệu đồng, giờ các nương dứa đang chín đỏ mà không dám thu hoạch về vì chẳng bán được, lại còn tiền thuê nhân công nữa. Năm nay, dứa được mùa quả to, cả nhà đang mừng thầm, nhưng bây giờ dứa đã chín đỏ đồi đành bỏ thối”, bà Thơ buồn bã nói.
Xã Bản Lầu, huyện Mường Khương được coi là “vựa” dứa của tỉnh Lào Cai. Theo thống kê vụ dứa năm nay, toàn xã có 700ha, sản lượng ước đạt 13 nghìn tấn dứa quả và đến thời điểm này cũng tiêu thụ được khoảng 60% sản lượng.
Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm
Theo ông Hoàng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, những năm trước, giá dứa thấp nhất cũng khoảng 3 nghìn đồng/kg còn bình thường là 5 nghìn đồng/kg trở lên. Năm nay giá dứa xuống quá thấp, tiền bán dứa không đủ để trả tiền thuê nhân công nên bà con nông dân không muốn thu hoạch; mà có thu hái về cũng chẳng bán được vì rất ít người mua.
Ông Kiên cho hay, để hòa vốn, thì giá ít nhất cũng phải từ 2.800-3.400 đồng/kg dứa quả. Nhiều năm nay, thị trường chủ yếu vẫn là xuất bán cho tư thương Trung Quốc (chiếm 70% sản lượng) và một số nhà máy chế biến hoa quả trong nước. “Tuy nhiên, giá dứa bên kia biên giới xuống thấp nên tư thương Trung Quốc cũng hạn chế nhập về; còn một số nhà máy chế biến nước hoa quả như ở Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình hay ở Hưng Yên, Thanh Hóa có thu mua nhưng không đáng kể, vì sản phẩm dứa quả ở các tỉnh nhà máy đứng chân cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất nên rất khó khăn cho bà con nông dân”, ông Kiên cho biết.
Cũng theo ông Kiên, lâu nay diện tích trồng dứa trên địa bàn xã Bản Lầu chủ yếu bà con trồng tự phát (10/21 thôn với 460 hộ trồng dứa). Chỉ tính riêng vụ dứa năm nay cũng có trên 50ha dứa được trồng mới. Trước thực tế hàng nghìn tấn dứa đang vào thời điểm cho thu hoạch mà không thể tiêu thụ được, địa phương ngoài việc tuyên truyền vận động bà con tiếp tục duy trì chăm sóc; đồng thời báo cáo UBND huyện liên hệ các nhà máy, cửa hàng siêu thị lớn về thu mua dứa cho bà con. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì cũng chưa có chuyển biến gì.
“Hiện nay chúng tôi đang tích cực tuyên truyền vận động bà con không mở rộng thêm diện tích trồng dứa. Xã cũng đang có kế hoạch chuyển đổi cây trồng mới có hiệu quả kinh tế mang tính bền vững hơn như cây lâm nghiệp, cây chè”, ông Kiên thông tin.
Thực tế trên đang tiếp tục chứng minh cho hậu quả của việc bà con phát triển cây trồng tự phát, không có ký kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, cũng không có đăng ký truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu nông sản. Nếu người nông dân nói chung và người trồng dứa ở Lào Cai vẫn với duy trì lối sản xuất cũ và cơ quan chức năng không có giải pháp về quy hoạch vùng cây trồng, giải pháp đầu ra cho sản phẩm… thì vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, sẽ tiếp tục xảy ra.
TRỌNG BẢO