Qua 7 năm triển khai Chỉ thị 40, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục có những bước phát triển. Kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng làm thay đổi diện mạo nông thôn. Thống kê cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2021, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng nông thôn, vùng DTTS là hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2014 đến nay, đã giải quyết việc làm cho gần 66.000 người; trong đó hơn 40.000 lao động là người DTTS, chiếm 63%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt (tỷ lệ hộ nghèo vùng trong vùng DTTS giảm bình quân 5%/năm)…
Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; các hủ tục dần được đẩy lùi. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã có 19 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; trong đó, di sản “Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được lựa chọn lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại…
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ người DTTS không ngừng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín vùng đồng bào DTTS được chú trọng và phát huy. Việc thực hiện tốt công tác dân tộc đã góp phần xây dựng và củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước.
Với những kết quả đã đạt được sau 7 năm triển khai Chỉ thị 40, tỉnh Lào Cai xác định thời gian tới tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030… Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng nông thôn, vùng DTTS. Khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; tập chung quy hoạch, sắp xếp dân cư bảo đảm ổn định, an toàn…/.