Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016, trên cơ sở thế mạnh của quê hương là cây thông và nhựa thông, đến nay HTX Thiên Phú, thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi (huyện Đình Lập) đã xây dựng được sản phẩm nhựa thông đạt chất lượng cao, dần chiếm lĩnh thị trường trên cả nước.
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, năm 2017, HTX Thiên Phú đã trồng hơn 100 ha thông tại thôn Quang Hòa, tạo việc làm mùa vụ cho khoảng 200 lao động, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, HTX bao tiêu sản phẩm nhựa thông cho bà con thôn Quang Hòa, thôn Nà Van (xã Cường Lợi), với diện tích khoảng 500 ha. Không chỉ vậy, HTX còn mở rộng thị trường khai thác, thu mua sang khu vực các tỉnh Tây Bắc như: Yên Bái 700 ha, Sơn La 200 ha và thu mua tại các tỉnh miền trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh…
Song hành với sự phát triển của HTX là sự phát triển trong phong trào xây dựng NTM của địa phương. Diện mạo nông thôn của xã Cường Lợi đã có những chuyển biến tích cực. Đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng cơ bản đã được bê tông hóa trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của HTX Thiên Phú, với phương thức Nhà nước, Nhân dân và HTX cùng làm.
Bà Hoàng Thị Hùng, Giám đốc HTX Thiên Phú chia sẻ: “Để sản phẩm của HTX có được chỗ đứng trên thị trường như ngày hôm nay, không chỉ là nỗ lực của cá nhân hay tập thể HTX mà có sự giúp đỡ rất lớn của chính quyền địa phương cũng như Liên minh HTX tỉnh. Góp sức cùng địa phương xây dựng đường giao thông, HTX đã đóng góp tiền, ngày công để hoàn thành công trình, giúp người dân trong xã đi lại và vận chuyển hàng hóa của HTX được thuận tiện hơn”.
Cùng với HTX Thiên Phú, trong những năm qua, việc thành lập và đi vào hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập và hoàn thành tiêu chí 13 (hình thức tổ chức sản xuất) trong xây dựng NTM.
Không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, trong quá trình xây dựng NTM, các xã bắt buộc phải có HTX hoạt động hiệu quả, có liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Việc đồng hành để củng cố các HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012 luôn được chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương đặc biệt quan tâm. Trong đó, chú trọng đến việc bao tiêu sản phẩm, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân phù hợp với thực tế yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương.
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết: đến nay, toàn tỉnh đã có 173 HTX nông nghiệp, doanh thu bình quân đạt 430 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/lao động/tháng, tăng gần 1 triệu đồng/người/tháng so với năm 2016. Toàn tỉnh đã có 111 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.
Được biết, các huyện trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức phát động, kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệp (DN), HTX để chung sức làm đường giao thông trong xây dựng NTM. Ngay tại những buổi phát động ở các huyện đã có nhiều DN, HTX ủng hộ, số tiền thu được từ 700 đến 900 triệu đồng. Nhiều DN, HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng chung tay, góp sức ủng hộ tiền mặt, ngày công lao động, vật liệu xây dựng để hỗ trợ các xã xây dựng NTM. Giai đoạn 2010 – 2020, các DN, HTX trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ trên 104 tỷ đồng xây dựng NTM.
Cùng với đó, để hỗ trợ các HTX ở những xã đã đạt chuẩn và phấn đấu đạt chuẩn NTM, từ nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2019, tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ trên 117 tỷ đồng cho các xã và các xã đã lựa chọn hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác tham gia thực hiện các dự án phát triển sản xuất.
Có thể thấy rằng, việc xây dựng các mô hình kinh tế HTX đã và đang tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo thuận lợi cho các vùng quê phát triển.