Tạo động lực phát triển
Trong các chính sách dân tộc, phải kể đến nguồn vốn Chương trình 135, đã đầu tư xây dựng được 138 công trình về giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học... với tổng nguồn vốn hỗ trợ là 98,8 tỷ đồng, trong đó vốn lồng ghép từ các chương trình 34,8 tỷ đồng.
Chương trình 135 cũng đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn kỹ thuật phát triển sản xuất cho 2.211 lượt hộ dân, với tổng vốn là 12,4 tỷ đồng; hỗ trợ các xã xây dựng các mô hình kinh tế như: Mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản, cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò; mô hình lợn nái sinh sản, mô hình nuôi vịt bầu bản địa; mô hình chăn nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học; mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây có giá trị kinh tế cao, trồng rau, ngô trên đất lúa bị hạn...
Điển hình như, mô hình sản xuất rau an toàn theo quy mô tập trung tại bản Năng Cát, xã Trí Nang, trồng cây vầu đắng ở xã Yên Khương. Các mô hình trên đã phát huy được tiềm năng và thế mạnh của huyện góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho bà con Nhân dân.
Ông Vi Văn Bình ở xã Tân Phúc cho biết: Trước năm 2014, gia đình ông vốn thuộc hộ nghèo, từ chính sách hỗ trợ vay vốn và giống cây trồng, ông đã mạnh dạn nhận đấu thầu đất để làm trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây lâm nghiệp. “Hiện nay, gia đình có 5ha luồng chuẩn bị thu hoạch, còn lại là cây ăn quả, chuồng trại nuôi gà, bò, lợn dưới tán rừng, mỗi năm cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng”, ông Bình phấn khởi thông tin.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ Chương trình 30a cũng đã đầu tư xây dựng được một số công trình hạ tầng quan trọng. Các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc giao thương giữa các địa phương, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Quyết tâm thoát khỏi huyện nghèo
Với việc triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc hiệu quả, giai đoạn 2014-2019 đã giúp cho hơn 2.390 hộ thoát nghèo; diện mạo cơ sở hạ tầng vùng nông thôn thay đổi mạnh mẽ. Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 38,03%, hết năm 2018 giảm còn 16,4%.
Đặc biệt, từ việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động khuyến khích người dân phát huy nội lực; triển khai tích cực các dự án, chính sách dân tộc theo hướng “hỗ trợ cần câu, hướng dẫn câu cá chứ không cho con cá” đã tác động trực tiếp làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, xóa bỏ tâm lý phụ thuộc, ỷ lại, trông chờ vào sự quan tâm của Chính phủ. Qua đó, bà con đã chủ động lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh đánh giá: Kết quả đạt được trong 5 năm qua, có ý nghĩa quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và khá bền vững; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm kịp thời; đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Mục tiêu sắp tới sẽ tập trung các nguồn lực như sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trong đầu tư phát triển; đổi mới phương thức lãnh đạo điều hành; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, phấn đấu đưa Lang Chánh thoát khỏi huyện nghèo”, ông Hồng khẳng định.
QUỲNH TRÂM