Ngã ba sông Châu Đốc là nơi hợp lưu của sông Châu Đốc và sông Hậu. Trên hai nhánh sông này, khoảng 300 - 400 nhà bè nuôi cá trải dài khoảng 4 km, hình thành gần trăm năm qua. Những chiếc bè được gọi là nhà bè, vì vừa là nơi nuôi cá, vừa là nơi cư trú của các gia đình, được bài trí không khác gì ngôi nhà trên đất liền.
Dự án Làng bè Sắc Màu khai thác 165 bè trên nhánh sông Hậu và giữ nguyên hiện trạng bè trên nhánh sông Châu Đốc. Đến thời điểm hiện tại, gần 100 nhà bè đã được sơn màu, bước đầu tạo hiệu ứng đẹp mắt, gây thu hút cho người dân và du khách. Thời gian tới, song song với sơn màu các nhà bè còn lại, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang mời gọi các doanh nghiệp đến khai thác các dịch vụ du lịch.
Dự kiến, Làng bè Sắc Màu ngã ba sông Châu Đốc sẽ khánh thành vào cuối năm 2023. Đến đây, du khách có thể tham quan làng nổi trên sông, trải nghiệm cho cá ăn, tìm hiểu những sinh hoạt vùng sông nước, thưởng thức đặc sản trên bè, mua sắm quà lưu niệm và các sản phẩm OCOP của địa phương…
Đặc biệt, bên cạnh tham quan làng bè, du khách có thể kết hợp khám phá đời sống văn hoá của cộng đồng người Chăm ở thị trấn Đa Phước (huyện An Phú) và xã Châu Phong (thị xã Tân Châu). Đây là hai làng Chăm đã hình thành hàng trăm năm qua ở hai bên bờ sông Hậu. Những thánh đường Islam (Hồi giáo) uy nghiêm, làng nghề dệt thổ cẩm tinh tế, những món ăn đặc trưng của người Chăm… tất cả mang đến nét riêng biệt của An Giang, không lẫn với bất kỳ nơi nào khác ở miền Tây.
Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang thông tin: “Dự án Làng bè Sắc Màu ngã ba sông Châu Đốc sẽ góp phần phát huy nét độc đáo của làng bè nổi Châu Đốc, nâng cao giá trị trong chuỗi tham quan du lịch khi du khách đến với Châu Đốc với các điểm tham quan như miếu Bà Chúa Xứ, chợ Châu Đốc, làng bè Sắc Màu, làng Chăm Đa Phước, làng Chăm Châu Phong… Qua đó, người dân có tăng thêm nguồn thu nhập từ du lịch thông qua các dịch vụ đi kèm”.