Vốn quen với hình thức canh tác “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, nên có được chiếc máy xới đất để giảm sức lao động, là niềm mơ ước của không ít người nông dân. Anh Giàng A Thảnh, dân tộc Mông, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ chia sẻ: “Để làm đất trồng cấy, tôi phải dùng trâu làm sức kéo, có khi còn dùng cả sức người để cuốc đất. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến việc bán trâu để mua máy xới đất, nhưng trâu bán đi cũng chẳng đủ tiền mua nên lại đành phải canh tác theo phương thức cũ”. Ước mơ của anh Thảnh cũng là ước mơ của bao gia đình làm nông khác ở vùng đất khó khăn này.
Nhận thấy sự cần thiết phải cải thiến phương thức sản xuất, tỉnh Lai Châu đã vận dụng linh hoạt những chính sách, nguồn vốn để hỗ trợ trực tiếp máy móc nông cụ, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, chuồng trại… cho người nông dân.
Kể từ khi được hỗ trợ máy xới đất mini HT03-Q từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ dân đã cảm nhận rõ sự đổi thay trong canh tác nông nghiệp. Anh Giàng A Phớ, bản Nậm Vai, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, chia sẻ: “Nếu như trước đây, tôi phải mất 2 tuần mới trồng cấy xong 2 sào ruộng, thì giờ đây nhờ có máy móc, tôi chỉ phải làm trong 2 ngày. Còn riêng về năng suất thì tăng cao thấy rõ, từ 30 bao thóc, 10 bao ngô/năm, giờ đây mỗi năm gia đình tôi thu được 80 bao thóc, 20 bao ngô”.
Theo ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lai Châu cho biết: “Bên cạnh việc hỗ trợ những hộ dân khó khăn máy móc, thiết bị phục vụ trong sản xuất, tỉnh Lai Châu còn tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, để thay đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất".
Nhờ vậy, tính đến nay nhiều xã vùng khó khăn của tỉnh Lai Châu đã đạt trên 50% số hộ dân có máy móc phục vụ sản xuất như: máy cày, máy tuốt lúa liên hoàn, máy cắt chè, máy tách hạt ngô, máy xay xát… Giúp người nông dân canh tác hiệu quả. Ngoài ra, một số hộ có trang trại chăn nuôi đã áp dụng nhiều máy móc hiện đại để cung cấp thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi và xử lý nguồn nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lai Châu, trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 2.000ha lúa đặc sản địa phương như: séng cù, tẻ râu, nếp tan co giàng; 7.775ha, diện tích chè kinh doanh; 4.705ha chè kim tuyên, PH8…cùng nhiều vùng sản xuất hàng hoá khác.
Có thể thấy rằng, thời gian qua, người nông dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có sự thay đổi lớn trong phương thức canh tác nông nghiệp. Các công ty, hợp tác xã, người nông dân không ngừng đổi mới dây chuyền, công nghệ, thiết bị để đầu tư vào sản xuất và tạo ra những sản phẩm chất lượng.