Theo cha tôi kể lại, người làng An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh và làng An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã có công khai thiên lập địa vùng đất đảo Lý Sơn. Để con cháu ngày sau nhớ về cội nguồn của mình, nhân dân đất đảo đã đặt tên làng An Vĩnh và An Hải trùng với tên làng An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ) và An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn).
Nằm ở phía phải Thạch Ky Điếu Tẩu còn có Dinh thờ cổ xưa, người dân địa phương gọi là Dinh Bà. Dinh Bà rất linh thiêng nên được ngư dân tự góp tiền trùng tu và làm con đường nhỏ để đến thắp hương. Làng An Vĩnh quê tôi còn có nhiều di sản văn hóa như: Lăng thờ cá ông Nam Hải, Đình làng An Vĩnh và địa đạo núi An Vĩnh.
Theo ông Nguyễn Nhứt, một ngư dân hơn 60 năm gắn bó với nghề biển nơi đây cho biết: Những di sản văn hóa ở đây đã có ít nhất trên 200 năm. Hồi nhỏ khi lên 10 tuổi, ông đã nghe cha ông kể lại, bộ xương cá Ông là do ngư dân làng An Vĩnh đưa từ đảo Hoàng Sa về để thờ. Đình làng ngày ấy, rất rộng và thoáng mát, có hàng cột đình rất to bằng một người ôm không xuể. Còn di tích địa đạo nằm ở núi An Vĩnh được dân đào trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước để trốn giặc đi càn quét. Địa đạo có chiều dài chạy theo chiều ngang của núi, có cửa nằm ở hai đầu. Dưới địa đạo có phân từng ô trú ẩn khoảng 4 -5 người.
Làng An Vĩnh ngày xưa còn có bãi phơi lưới, người dân địa phương gọi là đài lưới. Diện tích đài lưới rộng 1.500 đến 2.000 mét vuông. Hàng năm, nhân dịp Tết cổ truyền, ngư dân làng An Vĩnh thường tổ chức lễ cúng các dinh, lăng thờ cá Ông để tạ ơn thần Nam Hải và các vị thần Hoàng thổ địa đã phù hộ cho dân làng làm ăn được mùa đánh bắt hải sản. Dân làng An Vĩnh sống chủ yếu nghề chài lưới đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Lý Sơn và đánh bắt hải sản gần bờ. Nghề biển xa xưa nhất của dân làng An Vĩnh là nghề lưới chà và nghề đánh bắt cá dao, cá cựa, lưới chuồn, lưới mành…
Làng An Vĩnh quê tôi còn có lễ hội đua thuyền. Hàng năm, sau 3 ngày Tết, dân làng thường tổ chức lễ hội đua thuyền cầu mùa. Lễ đua thuyền thường có 4 chiếc long, lân, quy, phụng. Theo quan niệm của người xưa, năm nào thuyền phụng đạt giải nhất là năm ấy được mùa cá, còn thuyền long đạt giải thì được mùa nông nghiệp. Hai chiếc lân cũng được nhiều điều may, còn ly nếu thắng cuộc thì thường mất mùa, làm ăn gặp nhiều khó khăn .
Về xây dựng làng, có một sự kiện năm 1977- sau giải phóng miền Nam mới vài năm có ông Trần Đình Phùng, người làng An Vĩnh đi tập kết ngoài Bắc về quê. Ông vận động dân làng An Vĩnh di dời hàng ngàn ngôi mộ từ một khu đất gò hoang quy tập về khu nghĩa địa, giải phóng hàng chục ha đất cho dân xây nhà ở. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa cho cuộc sống sinh hoạt người dân làng An Vĩnh. Hiện nay, vùng đất này đã có trên 200 hộ dân xây nhà kiên cố, đường sá đi lại khang trang sạch đẹp. Người dân làng An Vĩnh muôn đời nhớ ơn ông cán bộ hưu trí Trần Đình Phùng .
Năm 1975, làng chài An Vĩnh chỉ có vài trăm hộ dân, chuyên sống bằng nghề chài lưới, bây giờ cả làng đã có hơn 800 hộ dân với hàng ngàn người sinh sống. Nghề đánh bắt hải sản cũng phát triển mạnh, ngư dân trong làng sắm nhiều tàu to máy lớn đi đánh bắt ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Nghề đánh bắt hải sản ven bờ không còn nữa.