Trước giải phóng, Xuân Lộc được xem là tuyến phòng thủ trọng yếu của chính quyền Sài Gòn. Xuân Lộc mất thì Sài Gòn sẽ tan rã, nên chính quyền Sài Gòn đã bố trí lực lượng phòng ngự mạnh nhất với khoảng 12.000 quân, cùng phương tiện khí tài, vũ khí hiện đại, biến nơi đây trở thành điểm “tử thủ” bảo vệ chính quyền. Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đến sáng 21/4/1975, quân Giải phóng đã đập tan “cánh cửa thép” của kẻ địch. Chiến thắng Xuân Lộc mở ra thời cơ cho quân ta tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Diện mạo mới Xuân Lộc
Sau ngày giải phóng, vùng đất Xuân Lộc phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách. Từ vùng đất chằng chịt hố bom, nhà cửa đổ nát, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, không điện, không nước, quân và dân Xuân Lộc phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Trở lại thăm “cánh cửa thép” Xuân Lộc năm nào, chúng tôi cảm nhận diện mạo mới, sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. Huyện Xuân Lộc được chọn xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu của cả nước vào năm 2025.
Suối Đá trước đây là vùng đất nghèo thuộc địa bàn ấp 6, xã Xuân Bắc, chủ yếu trồng khoai mì (sắn), ngô, thu nhập của người dân rất thấp. Thế nhưng, sau thời gian chuyển đổi cây trồng, vùng đất này đã trở thành vựa cây ăn trái lớn nhất vùng, làm thay đổi diện mạo cả làng quê.
Gia đình ông Đặng Văn Hoành quê Bến Tre, cùng hàng trăm hộ gia đình từ khắp mọi miền đất nước đã về đây lập nghiệp từ mấy chục năm trước. Đến nay, nhà nào cũng khá giả, có của ăn, của để, với thu nhập ổn định từ giống bưởi da xanh mà ông Hoành mang đến trồng. Hiện gia đình ông đang sở hữu khoảng 1,5ha bưởi da xanh, nhưng do giá bán cho thương lái không ổn định, nên ông quy tụ thêm các hộ dân khác thành lập HTX Bưởi Suối Đá.
“Thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với giống bưởi da xanh, nên cây trái rất đều, đẹp, chất lượng bưởi thơm ngon, được nhiều thương lái thu mua. Tuy nhiên, vào thời điểm dịch bệnh nên giá cả bấp bênh, chúng tôi đang nỗ lực tìm đầu ra cho các thành viên”, ông Hoành tâm sự.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Bàn, từ miền Bắc vào vùng đất Suối Đá từ khi còn hoang sơ. Mấy năm trước, ông chủ yếu trồng tiêu, sau đó, chuyển sang trồng bưởi da xanh. Giờ đây, vườn bưởi của gia đình ông cho nguồn thu từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. “Vườn bưởi nhà tôi được tổ chức rất bài bản, chuyên nghiệp. Cách chăm bón phân, tưới nước và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của gia đình tôi rất khoa học, nên mùa nào cũng cho năng suất rất cao”, ông Bàn cho biết thêm.
Theo thống kê, trên địa bàn Suối Đá có trên 100ha bưởi da xanh trồng tập trung, trong đó có khoảng 25ha bưởi của HTX Bưởi Suối Đá được chứng nhận VietGAP, nên tiêu thụ rất ổn định. Chỉ tính riêng trên địa bàn ấp 6, xã Xuân Bắc, với diện tích lên tới 1.600ha cây ăn trái, đã sản sinh ra nhiều tỷ phú phất lên từ trồng mít, bưởi, chuối…
Những kỳ tích mới
Sau mấy chục năm giải phóng, đời sống của người dân trên địa bàn ấp 6 đã giàu lên trông thấy. Các tuyến đường được trải nhựa, trải bê tông sạch sẽ, khang trang hơn chủ yếu nhờ vào tiền đóng góp của dân.
Dẫn chúng tôi đi dọc những con đường NTM hai bên trồng hoa rất đẹp, ông Trần Thiện Tĩnh, Bí thư Chi bộ ấp 6, xã Xuân Bắc cho biết: “Các tuyến đường giao thông nông thôn trong ấp chủ yếu do bà còn đóng góp đầu tư, xây dựng. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, người dân đóng góp gần chục tỷ đồng làm 10 tuyến đường giao thông nông thôn. Trong năm 2021 này, chỉ riêng ấp 6 tiếp tục đăng ký hoàn thiện hàng chục km hạ tầng giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống, sản xuất”.
Xã Xuân Bắc thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhưng đến nay các tuyến đường giao thông trên địa bàn đều đã được rải nhựa và bê tông hóa. Một số tuyến đường nông thôn, người dân đã tự đầu tư gắn đèn chiếu sáng và trồng hoa trang trí, góp phần tạo cảnh quan nông thôn sạch đẹp, văn minh.
Từ “cánh cửa thép” Xuân Lộc, nối tiếp tinh thần đấu tranh, vượt qua khó khăn, thử thách, người dân nơi đây đang vươn lên làm kinh tế, xây dựng NTM. Tại hầu hết các xã đều có mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “Để đạt được những thành quả trong quá trình xây dựng NTM ở Xuân Lộc là sự đồng lòng, chung tay của người dân với cấp ủy đảng, chính quyền. Trong gần 10 năm xây dựng NTM, tổng nguồn vốn đầu tư của Xuân Lộc là hơn 23.000 tỷ đồng, thì Nhân dân đóng góp chiếm hơn 90%. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn ngày càng đồng bộ, sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị cao. Sắp tới, huyện sẽ có những đột phá, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, tạo ra các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gắn với phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn”.
Trong chiến tranh, Xuân Lộc là “vùng đất lửa”. Giờ đây, Xuân Lộc là địa phương tiên phong trên tuyến đầu phát triển xanh, xây dựng NTM. Xuân Lộc từng là huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt chuẩn NTM. Đó là một “kỳ tích” đầy tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây. Phát huy truyền thống và thành quả ấy, hiện nay, Xuân Lộc tiếp tục vinh dự được chọn thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu của cả nước.