Bài 1: Gặp những người góp phần làm nên huyền thoại
Trong những ngày tháng Năm lịch sử, ký ức về Đường Hồ Chí Minh-Đường Trường Sơn huyền thoại lại trỗi dậy mạnh mẽ. Suốt dọc dài cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc, tuyến giao liên vận tải quân sự huyết mạch ấy luôn được đảm bảo thông suốt bằng chính tuổi trẻ và máu xương của lớp lớp thế hệ cha anh, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà…
Để hiểu hơn về huyền thoại một con đường, chúng tôi tìm gặp Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Hồ Chí Minh Việt Nam, một trong những người chỉ huy, người lính Trường Sơn kiên trung ngày ấy.
Trong căn nhà chứa đầy kỷ vật chiến trường tại Thủ đô Hà Nội, xuyên suốt trong câu chuyện với chúng tôi, Ông đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ “nhất” của đường Trường Sơn khi ông hồi ức về quá khứ. 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, người chiến sĩ già vẫn nhớ như in từng con số, từng chi tiết và những kỷ niệm về Trường Sơn.
Thiếu tướng Võ Sở kể, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự dọc Trường Sơn, mang tên gọi đường Hồ Chí Minh. Thường trực Tổng Quân uỷ triệu tập Ban Cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi viện chiến trường miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, tổ chức đảm bảo cho 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Điểm đầu tuyến đường là khu rừng Khe Hó-Bãi Hà, Gio Linh, Quảng Trị. Lúc đầu, đường Trường Sơn là con đường mòn đi dọc phía Đông dãy Trường Sơn hùng vĩ, Đoàn 559 vừa vận chuyển vừa mở đường hành quân, với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để đảm bảo bí mật tối đa. Sau một thời gian “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” con đường ngày một nối dài, vượt xa với quy mô, phạm vi cả Đông và Tây dãy Trường Sơn, xuyên qua nhiều tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam-Lào– Campuchia, các tuyến vận tải cho các chiến trường đã tạo nên một hệ thống liên hoàn và vững chắc với khẩu hiệu chiến đấu: máu có thể đổ, đường không tắc; còn người, còn xe, còn hàng; tất cả vì miền Nam ruột thịt….
Từng làm Chính ủy Binh trạm 31,42 rồi Chính ủy Sư đoàn 41, Thiếu tướng Võ Sở vừa chỉ huy, vừa trực tiếp tổ chức chiến đấu dọc chiều dài đường Hồ Chí Minh, ông không quên những trận sốt rét rừng, những đói khát, bệnh tật, Bộ đội Trường Sơn ngày ấy gian khổ nhất, chia nhau từng củ sắn, nắm rau rừng, từng viên thuốc, nhưng tinh thần luôn lạc quan, chiến đấu quả cảm nhất. “Không một con đường nào tạo cảm hứng bất tận để hun đúc ra nhiều nhà văn, nhà thơ là lính Trường Sơn như đường Trường Sơn. Cũng không con đường nào kiên cường như đường Trường Sơn”, Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ.
Còn đối với ông Giơ Râm Un, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, phụ trách đoàn thanh niên Ban Giao vận các huyện miền núi Khu Nam Sơn thời chống Mỹ thì con đường Trường Sơn ngày ấy đối với ông là ký ức mãi trường tồn của thời tuổi trẻ. Ông tự hào được góp sức chiến đấu trên con đường huyền thoại khi từng có thời gian từ năm 1965 đến 1970, phụ trách lực lượng thanh niên tham gia bảo vệ tuyến hành lang con đường. Vừa là chỉ huy nhưng cũng là người trực tiếp vận chuyển gùi cõng lương thực, vũ khí tại các binh trạm từ Bắc chuyển vào để phục vụ các chiến trường ở Quảng Nam, ông Giơ Râm Un cùng nhiều chiến sĩ đã trở thành những “phi công mặt đất”. Họ đúng là những chiến binh quả cảm, giữa cái sống và cái chết trong gang tấc vẫn lạc quan yêu đời. “Không có kính không phải vì xe không kính/ bom giật bom rung kính vỡ mất rồi”. Ung dung buồng lái ta ngồi, xe vẫn chạy, tất cả vì miền Nam thân yêu….
Từ khi ra đời đến ngày đất nước thống nhất, đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh đã trải qua chặng đường 16 năm. 16 năm khói lửa, 16 năm với biết bao huyền thoại và cả những thương đau vô bờ bến. Một con số làm tròn trong 16 năm Trường Sơn đánh giặc, các bà mẹ Việt Nam ở mọi miền đất nước đã gửi lên Trường Sơn 110 nghìn người con ưu tú và đến ngày đất nước thống nhất đã có 20 nghìn người ngã xuống, nhiều người vĩnh viễn nằm lại với Trường Sơn hùng vĩ. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng các thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi những cống hiến hy sinh của thế hệ cha ông cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Rừng Trường Sơn mùa này đẹp lắm, những bông hoa rừng vàng, đỏ kết vành tầng tầng trên cao như reo vui cùng nắng gió, trong tiếng chim rừng thánh thót gần xa. Con đường dưới tán rừng chênh vênh lặng lẽ bên những thân cổ thụ ngàn năm trầm tư như những nhà hiền triết. Ai đã từng đi qua những năm tháng chiến tranh, ai đã từng có mặt trên con đường huyền thoại mới có thể cảm nhận hết lịch sử dân tộc mình, hiểu được về một con đường huyền thoại.
Suốt 16 năm (1959-1975), đường Hồ Chí Minh đã chi viện 1,3 triệu tấn vũ khí, vật chất thiết yếu, đưa trên 2 triệu lượt người chi viện cho miền Nam. Là căn cứ chiến lược trực tiếp của 3 chiến trường miền Nam, Đông Bắc Campuchia, Hạ Lào với chiều dài trên 1.000km, chiều rộng 100km gồm 21 tỉnh của 3 nước. Nơi đây đã có trên 100 nghìn trận không kích, kể cả B52, 1.263 cuộc hành quân bằng các loại chiến tranh công nghệ cao. Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống gần hai vạn tên địch, bắn rơi 2.458 máy bay các loại… Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của thế kỷ XX”.
THANH HUYỀN - TẤN SỸ