Thời vụ
Ở miền Bắc với đay cách bà con nên gieo từ 15/2 đến 10/3. Với đay xanh quả tròn nên gieo từ 25/3 đến 15/4 và day xanh quả dài: gieo 10/4 đến 20/4.
Cần lưu ý không nên gieo đay quá sớm bởi khi gặp nhiệt độ thấp, cây sẽ mọc chậm, mọc không đều do mất khoảng cây cao và thấp không đều. Khi gieo sớm gặp ánh sáng ngày ngắn, bị ra hoa sớm cây thấp bé, đường kính thân nhỏ.
Gieo đay đúng thời vụ đủ ấm, cây mọc nhanh và đều, đảm bảo mật độ. Gieo đúng thời vụ ngày đủ dài, cây sẽ ra hoa nụ bình thường, thời gian sinh trưởng bình thường cây cao,tỷ lệ đay còi ít, năng suất đay cao, phẩm chất sợi tốt.
Chuẩn bị đất trồng
Bà con nên cày sâu từ 16 – 20cm, bừa kỹ bảo đảm tơi xốp, nhỏ mịm, san phẳng. Nếu mặt đồng mấp mô, đay sẽ mọc không đồng đều. Làm đất xong lên luống rộng 2,4 – 2,8m, cao 15 – 20cm. Xung quanh và giữa ruộng cần có mương rãnh tưới và thoát nước. Nên cày đất sớm để ải.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đay
Hiện nay có 2 loại đay được trồng chính là đay xanh và đay cách. Năng suất đay cao hay thấp dựa vào 4 nhân tố: số cây hữu hiệu/ 1 đơn vị diện tích, chiều cao kinh tế, đường kính thân và độ dầy bẹ.
Do đó mật độ trồng đay xanh: 30 – 33 vạn cây/ha.
Đay cách: 27 – 30 vạn cây/ha.
Khoảng cách: Đay xanh: 30-35 cm 8-10 cm (1 cây).
Đay cách: 30-35cm 10-12 (1 cây).
Để cây đạt năng suất cao cần gieo hạt đúng cách. Bà con tiến hành rắc đều hạt giống, vùi cạn, nén đất, bảo đảm độ gieo sâu 1-3 cm, có thể tiến hành phủ tro sau gieo.
Lượng hạt gieo phải đảm bảo đay xanh quả dài: 5 – 7 kg hạt/ha.
Đay xanh quả tròn: 10 – 15 kg hạt/ha.
Đay cách: 25 – 30 kg hạt/ ha.
Cây đay chỉ đạt năng suất tốt khi được lượng nước tưới đầy đủ, không khí và nhiệt độ tốt. Nhiệt độ nảy mầm tốt nhất của cây là từ 20 - 30 độ, ẩm độ đất 70 - 80 %. Điều kiện nhiệt độ thích hợp thì sau 4 - 6 ngày thì đay mọc đều.
Sau khi hạt nảy mầm thì thân và rễ mầm phát triển, sau đó xòe 2 tử diệp và bắt đầu quang hợp, sau khi xòe lá tử diệp được 5 - 7 ngày, thì lá thật xuất hiện.
Sau khi nảy mầm, bộ phận trên mặt đất sinh trưởng chậm, còn sinh trưởng của bộ rễ thường tương đối nhanh: Sau mọc 5 - 7 ngày, ra được 1 lá thật, rễ cái dài 7 - 12 cm và nhiều rễ con. Sau 20 ngày cây cao 10 - 14 cm, có 3, 4 lá thật thì rễ cọc dài 30 - 35 cm, rễ con từ 15 - 35cm. Đa số rễ phân bố ở lớp đất 6 - 17 cm.
Bộ rễ sinh trưởng tốt, thì tăng chất hút dinh dưỡng, tăng sức chống hạn, từ đó xúc tiến đến thân cao vỏ dày, bộ rễ đay đâm vào đất không mạnh nhưng rất ưa phân, và mẫn cảm với chế độ không khí trong đất.
Tính từ khi mọc đến khi ra hoa, có thể chia làm các thời kỳ sau: Thời kỳ cây con, thời kỳ vươn cao và thời kỳ ra hoa kết quả.
Thời kỳ cây con từ sau khi đay mọc, khoảng 30 - 40 ngày với đay xanh, 40 - 50 ngày với đay cách.
Thời kỳ này rễ phát triển nhanh, thân lá sinh trưởng chậm. Thời kỳ này dễ bị cỏ dại lấn át, sâu bệnh phá hoại, nên việc chăm sóc đay con đặc biệt quan trọng.
Thời kỳ vươn cao là thời kỳ sinh trưởng chủ yếu của cây đay. Thời kỳ này kéo dài 80 - 85 ngày (ở đay cách), 50 - 60 ngày đối với đay xanh, khối lượng sinh trưởng thời kỳ này chiếm 70 - 75 % tổng lượng sinh trưởng cây đay. Là thời kỳ tăng trưởng chiều cao, đồng thời với phát triển đường kính thân. Cây càng cao thì thân càng to, bậm. Là thời kỳ quyết định năng suất.
Tốc độ vươn cao nhanh hay chậm, thời kỳ vươn cao dài hay ngắn, không những phụ thuộc vào đặc tính giống mà còn chịu tác động sâu sắc của điều kiện ôn độ, ẩm độ, ánh sáng và kỹ thuật chăm sóc. Ở thời kỳ vươn cao của đây cánh dài hơn đay xanh.
Ánh sáng ngày dài thuận lợi cho quá trình vươn cao, còn ánh sáng ngày ngắn làm đay ra hoa sớm.
Nhiệt độ cao sẽ thuận lợi cho quá trình vươn cao. Thời kỳ này tiêu tốn nhiều nước nhất, chú ý đảm bảo độ ẩm đất 70 - 80%, cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Thời kỳ này cần nhiều dinh dưỡng, nhất là yêu cầu kali và đạm.
Sau khi đay mọc 90 - 110 ngày đối với đay xanh, 130 - 150 ngày đối với đay cách, thì cây bắt đầu ra nụ. Ra nụ sớm hay muộn tùy thuộc vào đặc tính giống, điều kiện ngoại cảnh cụ thể, và kỹ thuật trồng trọt.
Đay xanh ra hoa sớm hơn đay cách. Sự ra nụ, hoa sớm hay muộn phụ thuộc vào mức độ phản ứng của giống đối với độ dài ngày, chế độ nhiệt, ánh sáng và thời vụ gieo của vùng trồng đay.
Đay gieo đúng thời vụ, thì thời kỳ ra nụ hoa thường trùng với thời kỳ sợi chín (chín công nghiệp). Cây chuyển từ màu xanh sang xanh vàng, thân bóng lên ít sáp, lá rụng gần hết.
Sau thời gian ra nụ 10 - 15 ngày, thì hoa bắt đầu nở. Thời kỳ hoa kéo dài từ 30 - 70 ngày tùy giống.
Hoa đay nở tuần tự từ dưới lên. Ôn độ thích hợp cho nở hoa là 25 - 28 độ với đay cách, 30 - 31 độ với đay xanh, ẩm độ thích hợp 60 - 70%. Từ khi mọc đến khi quả chín đầy đủ cần 180 - 230 ngày.
Khi trên thân, các chùm hoa đầu tiên có quả non thì trong cây mô sợi đã phát triển đầy đủ, thu hoạch lúc này có năng suất và phẩm chất tơ tốt nhất.
Do đay là cây có khối lượng sinh khối lớn, và chịu phân bón nên rất cần bón nhiều phân. Để thu hoạch 10 tấn đay/ha, cần 119 kg N, 45,5 kg P2O5, 155 kg K2O ngoài ra cần yêu cầu 1 số nguyên tố vi lượng sau: B, Cu, Zn. Mỗi yếu tố dinh dưỡng đều có vai trò quan trong sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Đạm có tác dụng lớn nhất đối với sản lượng sợi. Đủ đạm lá phát triển tối, thân cao nhanh, thiếu đạm: Thân mềm, dễ bị nhiễm bệnh, phẩm chất sợi giảm.
Đay xanh quả tròn: Bón đạm tăng năng suất 75 - 125%.
Đay xanh quả dài và đay cách: Bón đạm làm tăng 54 - 70%.
Lân góp phần xúc tiến bộ rễ, do đó tăng sức hút nước, phân, tăng sức chống hạn, gió, tăng sản lượng và chất lượng hạt giống, tăng chất lượng làm sợi trắng bóng đẹp. Thiếu lân lá sẽ bé, có màu xanh hơi tối, cây nhỏ cành và hoa quả ít. Hiệu quả phân lân chậm, nên chủ yếu dùng bón lót.
Kali: Tăng cường sự trao đổi chất, tăng độ dày của vỏ, tỷ lệ và độ bền của sợi, tăng sức chịu hạn và chống chịu sâu bệnh. Thiếu Kali đốt ngắn, xuất hiện vết nâu ở rìa lá, mô sợi và gỗ, phát dục không đều, phẩm chất sợi kém, cây dễ bị nấm bệnh.
Để xác định tỉ lệ phối hợp NPK cần căn cứ vào mục đích trồng đay để lấy sợi hay là nhân giống, các điều kiện hóa tính của đất trồng đay, chế độ luân canh. Trong điều kiện Việt Nam có thể sử dụng tỉ lệ 3:1:2 (60kg N, 20kg P2O5, 40kg K2O) hoặc (90 kg N, 30 kg P2O5, và 60 kg K2O).
Trong quá trình trồng cần tỉa cây làm 3 lần
Lần 1: Cây cao 2-3 cm, cây nọ cách cây kia 1 – 2 cm.
Lần 2: Cây cao 5-7 cm, cây nọ cách cây kia 5 – 7 cm.
Lần 3: Cây cao 10-15 cm, cây nọ cây kia 8 – 10 cm.
Khi cây cao 1,5m có thể tỉa, nhổ bỏ những cây vô hiệu, còi cọc, để ruộng thoáng, tập trung dinh dưỡng cho các cây hữu hiệu.
Bên cạnh đó, xới xáo làm cỏ cũng chia làm 3 lần:
Lần 1: Khi cây cao 20 cm, xới nhẹ nông 1 – 5 cm, và vun nhẹ.
Lần 2: Khi cây cao 40 – 50 cm, xới nặng hơn phối hợp với vun.
Lần 3: Cây cao 80 – 100 cm, xới vun cao chống đổ, phối hợp xới bón thúc đạm.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu xanh: làm ruộng đay mất khoảng giảm mật độ, phòng trừ: làm bẫy, bả, làm sạch cỏ, phá nơi chú ẩn sâu, Sevin 85 (0,2 - 0,3%), xử lý đất trước gieo 20 ngày, bắt diệt vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Sâu đục thân: làm ngọn héo rũ, mỗi năm 3 - 6 đợt, có nhiều thiên địch ký sinh trên trứng, sâu non, trong đó ong mắt đỏ là thiên địch diệt mạnh nhất (diệt 70 - 80% trứng). Phòng trừ bằng thuốc Sevin 85, 0,2 - 0,3%, xử lý đất trước khi trồng 20 ngày.
Sâu đo các loại, sâu xanh: Thường ăn hại lá và ngọn, phòng trừ bằng thuốc Bi58, 0,2 - 0,3%, padan 0,2 - 0,3% diệt trừ sâu non và trứng.
Bệnh đốm thân: do nấm Cercospora Corchori cần xử lý hạt giống, hoặc phun dung dịch Booc đô 0,5%, hoặc dùng dung dịch lưu huỳnh 0,5 độ Boome, vệ sinh đồng ruộng, chọn giống chống bệnh, tăng bón kali,
Ngoài ra còn một số bệnh như: bệnh khô thân, bệnh thán thư, bệnh đốm vi khuẩn, bệnh tuyến trùng rễ.
Thu hoạch
Sau 3-4 tháng kể từ ngày gieo hạt, sẽ tiến hành thu hoạch cây đay. Khi thu về bỏ hết lá, ngọn rồi dựng thân cây đay từ 10 – 15 ngày cho đến khi thân cây thật khô.
Cây đay được bẻ đôi rồi tách vỏ ra khỏi phần lõi. Tẽ vỏ cây đay thành những sợi nhỏ, mỗi cây thường cho 8 – 12 sợi, sợi dài nhất có thể dài 1,6 m. Bó sợi đay thành từng bó, dùng chân giẫm hoặc giã sợi đay để tróc hết lớp màng bám trên vỏ cây, làm cho sợi đay mềm và sạch.
Vỏ cây đay được tước ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo. Bước tiếp theo, người ta mắc các sợi đay vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn. Để làm cho sợi đay trắng, cuộn sợi đay được luộc trong nước tro.