Cách đây hơn 10 năm, gia đình chị Trần Thị Ngời, dân tộc Giáy ở thôn 1 xã Bản Vược, huyện Bát Xát, thuộc diện hộ nghèo trong xã. Năm 2011, gia đình chị Ngời được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo; với nguồn vốn này gia đình chị đầu tư vào chăn nuôi, trồng rừng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị đã thoát nghèo và trả được hết nợ.
Chị Ngời chia sẻ, gia đình chị có được cuộc sống như ngày hôm nay, một phần là nhờ nắm bắt thông tin từ việc nghe đài, xem ti vi, đọc báo, trong đó có Báo Dân tộc và Phát triển. Qua việc nắm bắt thông tin, học hỏi kinh nghệm từ báo chí, chị đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn giải quyết việc làm để đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi lợn và thả cá.
"Hiện tại, gia đình tôi có hai ao thả cá, 30 con lợn và hơn 2ha rừng; mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập khoảng 100 triệu đồng”, chị Ngời cho biết.
Hay nghề chăn nuôi trâu bò vỗ béo đến với anh Lý Văn Dũng, dân tộc Giáy ở thôn Tân Bảo, xã Bản Qua, huyện Bát Xát thật tình cờ. Anh Dũng kể, năm 2020, đọc một thông tin trên Báo Dân tộc và Phát triển, viết về những mô hình trang trại chăn nuôi trâu bò vỗ béo cho thu nhập cao ở một số địa phương trong cả nước.
“Tôi nghĩ, mình có sức khỏe, điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, tại sao không ứng dụng để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương"
Nghĩ là làm, năm 2021, anh Dũng mạnh vay 250 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Với nguồn vốn vay này, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và đi các huyện trong tỉnh để mua trâu, bò về vỗ béo, đến khi đạt tiêu chuẩn thì xuất bán cho thương lái. Hiện nay, trong chuồng của tôi luôn duy trì khoảng 50 con trâu bò; tính ra, mỗi tháng tôi cũng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng, cao hơn nhiều so với đi làm thuê trước đây”, anh Dũng tâm sự.
Ông Lý Việt Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát cho biết: Qua theo dõi ông thấy bà con, đặc biệt là Người uy tín trong vùng đồng bào DTTS rất thích tờ báo Dân tộc và Phát triển vì cách viết gần gũi dễ hiểu; đọc báo bà con như thấy chính mình, thôn bản mình trong đó. Quan trọng hơn, qua các bài viết của báo nhiều bà con đã mạnh dạn học tập và làm theo trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
"Mong rằng, thời gian tới báo sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa, có nhiều bài viết hay về gương người tốt việc tốt, cách làm mới trong phát triển kinh tế…; xứng đáng là tờ báo của đồng bào DTTS”, ông Hùng chia sẻ.