Nghiêm trọng hơn, các em có thể bị ức chế, trở nên không nghe lời, thậm chí ngầm phản kháng bằng những hành động khác tiêu cực hơn. Kỷ luật kiểu này có thể gây ra tác dụng ngược.
Thế nên dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra lấy ý kiến đang nhận được sự đồng thuận từ dư luận. Bởi trong dự thảo này, Bộ GD&ĐT quy định: “Không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh”; chỉ có các mức khiển trách, cảnh cáo và “tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm”.
Như vậy, không còn khái niệm “đuổi học”, “buộc thôi học” được đánh giá là điểm mới tích cực. Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh là có bổ sung thêm các biện pháp kỷ luật tích cực.
Cụ thể, Điều 9 của Dự thảo Thông tư quy định, giáo viên thu thập các thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm. Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp dưới đây để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh như khuyên bảo động viên; phê bình riêng; phối hợp với cha mẹ để cùng thực hiện các kế hoạch giáo dục; tư vấn tâm lý cho học sinh.
Khi việc kỷ luật dựa trên nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của học sinh, chúng ta sẽ có một nền giáo dục kỷ cương nhưng nhân văn.