Đây là năm thứ 6 (kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi các môn), môn tiếng Anh giữ nguyên vị trí này. Điều này phản ánh chất lượng dạy và học tiếng Anh ở cấp phổ thông (từ tiểu học đến THPT) chưa được cải thiện. Điều đáng nói là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hẳn một Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.
Mặc dù môn tiếng Anh đã được coi là một môn học quan trọng nhưng một số vùng khó khăn như vùng đồng bào DTTS, tình trạng thiếu giáo viên dạy tiếng Anh vẫn diễn ra. Cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện học tập còn gặp nhiều khó khăn nên trình độ của học sinh không đồng đều.
Thế nên mới tồn tại nghịch lý là, sau 12 năm học phổ thông, công sức dạy và học tiếng Anh trên ghế nhà trường như đổ xuống sông khi mà hàng loạt học sinh phải tìm cho mình những lớp tiếng Anh “cho người mất gốc” ở nhiều trung tâm bên ngoài, khi các em thực sự nhận ra tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ.
Trong thời đại 4.0, khái niệm công dân toàn cầu được nhắc đến rất nhiều. Nếu như không có chìa khóa là ngôn ngữ phổ thông nhất thế giới, chúng ta sẽ hội nhập kiểu gì?
Thế nên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc dạy và học ngoại ngữ cần phải có sự thay đổi rất lớn, đó là một chương trình phù hợp, chất lượng đội ngũ, đặc biệt là quá trình dạy, quá trình học của học sinh.