Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đặt câu hỏi: Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được Nhân dân đánh giá cao. Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực, Bộ Y tế triển khai Nghị quyết 128 như thế nào, các giải pháp thực hiện đồng bộ Nghị quyết 128 trên phạm vi toàn quốc?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, dựa trên năng lực, tình hình dịch bệnh để đưa ra các giải pháp áp dụng phù hợp. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các địa phương phải đánh giá đúng về cấp độ dịch, từ đó có các giải pháp về giao thông, lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Muốn thích ứng an toàn, việc chuẩn bị cơ sở vật chất đối với lĩnh vực y tế là rất quan trọng, đặc biệt là hệ thống y tế, hạ tầng, thành lập các trung tâm hồi sức.
“Phải chủ động việc triển khai công tác phòng, chống dịch hiệu quả, tránh tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Sau khi Nghị quyết 128 ra đời, về cơ bản các địa phương triển khai đồng bộ. Đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, góp phần ngăn chặn “lợi ích nhóm”, lành mạnh hóa công tác y tế, bảo đảm công tác phòng, chống dịch và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề xuất.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Bắc Kạn, về giải pháp đột phá để giảm chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh giữa miền núi và đồng bằng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở khu vực miền núi; tập trung cho việc hình thành khu phức hợp y tế ở những địa bàn trọng điểm. Cụ thể, sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện tuyến cuối theo khu vực địa lý; bảo đảm cân bằng giữa các vùng.
Trong đầu tư công, sẽ xây dựng bệnh viện đa khoa trên địa bàn Tây Nguyên, Tây Bắc, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ để tăng cường chất lượng khám chữa bệnh. Mặt khác, Bộ tiếp tục triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa kết hợp đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn Quảng Trị, về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, Bộ đã tăng cường đầu tư, đào tạo, đẩy mạnh mô hình cô đỡ thôn bản. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục đầu tư, kêu gọi nguồn lực của ADB, WB; đồng thời trình Đề án đào tạo nhân lực cho vùng DTTS theo cơ chế vừa đào tạo vừa thu hút.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn nhận: Có một thực tế, hiện không đủ đầu vào để thu hút nhân lực cho khu vực DTTS, nên trong đề án đào tạo nguồn nhân lực sẽ căn cứ thực tế địa phương để có phương án tuyển dụng những sinh viên vùng DTTS có điểm đạt trên điểm sàn, dưới điểm chuẩn để đưa đi đào tạo, từ đó đầu tư cho khu vực, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS.
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Tại phiên chất vấn, đã có 32 đại biểu chất vấn đúng nội dung theo tinh thần đổi mới. Một số đại biểu chưa đồng ý đã có những tranh luận, trao đổi thẳng thắn để đi đến cùng vấn đề. Bộ trưởng Bộ Y tế cơ bản đã giải trình, trả lời và làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, đi đúng nội dung chất vấn. Trong thời gian tới, chúng ta phải đúc kết được kinh nghiệm, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch phù hợp thích ứng với đại dịch Covid-19; không để bị động, bất ngờ; tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch.
“Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết, đưa ra mục tiêu để Chính phủ, các bộ ngành triển khai, Quốc hội sẽ thực hiện quyền giám sát của mình”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận.