Điều tra viên phải biết sử dụng công nghệ
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn thu thập thông tin tạo ra nhiều giá trị gia tăng, cụ thể: Nâng cao chất lượng số liệu; giảm công sức của lực lượng tham gia điều tra trong các công đoạn thu thập, xử lý thông tin và nghiệm thu kết quả; nắm bắt thông tin để chỉ đạo kịp thời những nơi gặp khó khăn hoặc chất lượng số liệu chưa tốt; kiểm soát tiến độ thu thập thông tin tại địa bàn; có số liệu ngay khi kết thúc thu thập thông tin tại địa bàn giúp rút ngắn thời gian công bố số liệu; tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Chính vì vậy, trước khi bước vào cuộc Điều tra 53 DTTS năm 2024, Cục thống kê tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch và lựa chọn những điều tra viên có kinh nghiệm thực tiễn, trải qua nhiều cuộc điều tra, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ của đồng bào DTTS và đặc biệt là phải thành thạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, biết sử dụng điện thoại thông minh.
Ông Trương Hợp Đoàn, Chi cục Trưởng Chi cục Thống kê TP. Kon Tum cho biết: Cuộc điều tra lần này TP. Kon Tum có 41 địa bàn điều tra và Chi cục đã trung tập 41 điều tra viên đảm bảo về tiêu chuẩn, năng lực, trình độ và rành về công nghệ. Sau đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn để các điều tra viên sử dụng thành thạo hình thức thu thập thông tin bằng phiếu điện tử (hay còn gọi là CAPI).
Cuộc Điều tra 53 DTTS được thực hiện căn cứ theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS; trong đó quy định Tổng cục Thống kê chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện cuộc điều tra này, với chu kỳ 05 một lần. Năm 2024 là lần thứ 3 Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức thu thập thông tin đánh giá về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS trên phạm vi toàn quốc.
Để việc thu thập thông tin chính xác, hiệu quả, Cục Thống kê tỉnh Kon Tum đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các điều tra viên cách sử dụng phiếu điện tử và kỹ năng phỏng vấn, khai thác thông tin, ghi chép thông tin vào phiếu hỏi điều tra. Qua đó, các điều tra viên đã nắm rõ và áp dụng vào thực tiễn đạt kết quả.
Ông Đặng Văn Trường, điều tra viên chia sẻ: Tôi đã tham gia làm điều tra viên cho nhiều cuộc điều tra của ngành Thống kê, nhưng tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin; đặc biệt là sử dụng phiếu điện tử đã giúp tôi rất thuận lợi trong quá trình điều tra tại từng hộ. Bởi khi được tập huấn kỹ và tôi thực hiện nhuần nhuyễn rồi thì khi thu thập thông tin rất nhanh, chính xác và đặc biệt là phần mềm này, thì các giám sát viên họ cũng biết mình có đến từng nhà để điều tra hay không vì có hệ thống định vị từ phần mềm.
Thuận lợi trong quá trình thu thập thông tin
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc điều tra lần này mang lại nhiều thuận lợi đáng kể, đặc biệt là việc sử dụng phương pháp phỏng vấn hộ dân cư bằng CAPI và webform đối với phiếu xã. CAPI giúp tăng tốc độ thu thập dữ liệu và giảm thiểu sai sót so với ghi chép thủ công; Đồng thời, đảm bảo thông tin được nhập trực tiếp vào hệ thống một cách chính xác. Webform hỗ trợ việc thu thập và xử lý dữ liệu từ cấp xã một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Ông Trần Hữu Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Đăk Hà cho biết: Cuộc Điều tra 53 DTTS năm 2024 trên địa bàn huyện có 33 địa bàn, huyện đã trưng tập 33 điều tra viên và đều là những người có điện thoại thông minh, thành thạo trong việc sử dụng phần mềm CAPI. Nhờ vậy, quá trình điều tra đã diễn ra rất thuận lợi, các phiếu điều tra được nhập thông tin đầy đủ và huyện đã hoàn thành cuộc điều tra sớm hơn so với kế hoạch 05 ngày.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm chất lượng của cuộc điều tra, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, triệt để ở tất cả các khâu của cuộc điều tra (từ khâu rà soát địa bàn, lập bảng kê đến công tác thu thập thông tin tại đại bàn), bằng hình thức trực tuyến trên trang Web điều hành tác nghiệp nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thu thập thông tin; đảm bảo dữ liệu thu thập được là chính xác và đáng tin cậy.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng phiếu điều tra được thực hiện ngay trong quá trình thu thập thông tin, giám sát viên thường xuyên kiểm tra dữ liệu trên chương trình phần mềm và kịp thời yêu cầu đơn vị điều tra, điều tra viên xác minh hoàn thiện phiếu điều tra khi có sai sót, nhầm lẫn hoặc phát sinh lỗi.
Chị Bùi Thị Hà Thu, Chi cục Thống kê huyện Đăk Hà cho biết: Với vai trò là giám sát viên, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin này rất thuận lợi. Khi vào trang Web, tôi giám sát được tiến độ, lỗi phiếu, thời gian phỏng vấn, vị trí của điều tra viên. Qua đó, tôi kịp thời phát hiện và nhắc nhở để điều tra viên thực hiện phiếu điều tra đảm bảo chính xác.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Thống kê và ngành công tác Dân tộc, cuộc Điều tra 53 DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã hoàn thành 100% so với kế hoạch đề ra. Điều này có được nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện.
Ông Đỗ Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Kon Tum cho biết: Qua đánh giá sơ bộ, chất lượng các phiếu điều tra được đảm bảo. Kết quả này không chỉ cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong điều tra thống kê, mà còn phản ánh tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của các điều tra viên; cùng với sự hỗ trợ từ phía các già làng, thôn trưởng và Người có uy tín trong cộng đồng.
Với nguồn dữ liệu thu thập được, đây là hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh trung thực về kinh tế - xã hội của các DTTS ở các vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.